'Xài chùa' thời 4.0: Bản quyền lỏng lẻo bóp nghẹt công nghiệp sáng tạo

TP - Nghe nhạc miễn phí, xem phim, đọc sách lậu… những hành vi tưởng như vô hại ấy đang từng ngày làm xói mòn nền văn hóa sáng tạo. Khi sáng tác không được bảo vệ, sản phẩm bị “dùng chùa” ngay trong ngày đầu phát hành, không chỉ nghệ sĩ, nhà làm phim, tác giả sách mất thu nhập, mà cả xã hội cũng đánh mất môi trường văn minh, khiến giá trị không được trả công xứng đáng.
Bài 1: Nhạc số: Càng nổi càng dễ bị “ăn cắp”
Trong khi công nghệ số mở ra cơ hội lan tỏa chưa từng có cho âm nhạc Việt, thì cũng chính tốc độ ấy đang trở thành con dao hai lưỡi: Càng nhiều người nghe, bài hát càng dễ bị “dùng chùa”.
Cái giá của “miễn phí”
Trong hệ sinh thái “nội dung lậu” đang âm thầm vận hành trên môi trường số, người dùng có vẻ là chuỗi tiêu thụ cuối cùng, nhưng thực chất lại chính là mắt xích then chốt duy trì và tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền. Họ góp phần tạo ra lưu lượng truy cập (traffic), giúp các trang web chia sẻ nhạc, phim, sách trái phép tồn tại, thậm chí ngày càng mở rộng phạm vi. Không ít người còn chủ động phát tán link tải, chia sẻ “hàng chùa” trên mạng xã hội, nhóm chat, diễn đàn… và vô tình trở thành “nhà phân phối bất đắc dĩ”.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là chính người dùng cũng trở thành nạn nhân của hành vi mà họ góp phần duy trì. Như trường hợp của P.T.H (20 tuổi, sinh viên tại Hà Nội), vì thường xuyên xem phim lậu trên web miễn phí, cô đã bị điều hướng sang một trang chứa mã độc, khiến máy tính cá nhân bị nhiễm vi rút, dữ liệu học tập bị xóa và tài khoản cá nhân bị xâm nhập. Câu chuyện của H sau đó được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn công nghệ, như một lời cảnh tỉnh cho những người có thói quen dùng “hàng chùa”.
Một trường hợp khác, N.T.L (26 tuổi, nhân viên thiết kế tại Hà Nội) tải một album nhạc độc lập từ một diễn đàn “nghe ngầm”. Tưởng như chỉ là một file zip thông thường, nhưng sau khi giải nén, máy tính của anh bị cài phần mềm gián điệp, dẫn tới tình trạng lộ thông tin cá nhân và phải mất tiền khôi phục dữ liệu. Anh L chia sẻ: “Chỉ vì muốn tiết kiệm 50.000 đồng mà mình phải bỏ ra gần 3 triệu đồng để sửa máy và đổi tài khoản”.
Ngoài rủi ro bảo mật và trải nghiệm kém do liên tục bị chèn quảng cáo, người nghe còn phải đối mặt với hậu quả lâu dài: Khi hành vi dùng miễn phí trở thành thói quen, giới nghệ sĩ mất dần động lực đầu tư nghiêm túc. Nhiều nhà sản xuất nhạc trẻ ngừng phát hành EP, không quay MV, chỉ ra bản demo (bản dùng thử) trên mạng vì lo sợ sản phẩm bị đánh cắp ngay trong ngày đầu.
Dân mạng hẳn còn chưa quên câu chuyện của Jack (J97), ca sĩ kiêm nhạc sĩ trẻ nổi lên với bản demo mang tên Đom đóm. Bản demo này nhanh chóng lọt vào Top trending (xu hướng thịnh hành) YouTube tại Việt Nam chỉ sau 4 giờ đăng tải. Thay vì ngay lập tức đầu tư sản xuất EP hoặc MV hoàn chỉnh, Jack chọn giữ nguyên demo, không tung bản thu chuyên nghiệp, với lý do lo sợ nội dung sẽ bị các đối tượng xấu nhân bản, chia sẻ tràn lan mà không đảm bảo doanh thu và quyền tác giả.
![]() |
Công ty quản lý ca sĩ Đình Nguyễn và ca sĩ Quốc Thiên đang vướng vào một vụ kiện chưa có hồi kết vì bản quyền hit Mối tình không tên. |
“Phần lớn anh em làm nhạc trẻ giờ phải tự thân vận động hết, từ viết, phối khí đến quay MV, phát hành online. Một bản phối chất lượng hay một MV chỉn chu tốn ít nhất vài chục triệu đồng, có khi cả trăm triệu đồng nếu làm nghiêm túc. Nhưng chỉ cần phát hành vài giờ mà bị chia sẻ tràn lan thì coi như mất trắng. Vậy thì ai còn dám đầu tư dài hơi”, nhà sản xuất Tuấn Phương bức xúc.
Theo TS. Lê Quỳnh Trang, chuyên gia nghiên cứu văn hóa số, người dùng hiện nay không chỉ tiêu thụ nội dung, mà còn là một phần trong chuỗi lưu thông của sản phẩm văn hóa. “Nếu họ tiếp tay cho nội dung vi phạm bản quyền, họ cũng đang hủy hoại chính môi trường văn hóa số mà mình tham gia. Và trớ trêu là, khi thị trường không còn đủ điều kiện nuôi dưỡng sáng tạo, chính người tiêu dùng sẽ phải sống trong một hệ sinh thái nghèo nàn, dễ tổn thương và mất kiểm soát”, TS. Quỳnh Trang phân tích.
Những con số báo động
Trong báo cáo Global Music Report 2025, Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) cho biết, doanh thu toàn cầu của ngành âm nhạc năm 2024 đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm trước. Trong đó, 69% doanh thu đến từ streaming (phát trực tuyến). Không khó để nhận ra, ngành công nghiệp âm nhạc đang sống dựa vào môi trường số, cũng vì thế nó rất dễ tổn thương trước nạn vi phạm bản quyền. Trước đó, cũng trong một thống kê của IFPI, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền âm nhạc cao nhất thế giới, với 66% người dùng từ 16-44 tuổi thừa nhận từng sử dụng nội dung âm nhạc không có bản quyền. Các hình thức phổ biến bao gồm “stream-ripping” (tải xuống và lưu trữ dưới dạng file riêng) từ YouTube, sử dụng nền tảng không phép hoặc chia sẻ file mp3 trái luật.
Pháp luật có, nhưng chưa đủ mạnh
Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi năm 2022) với nhiều quy định rõ ràng về quyền tác giả trong môi trường số. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến vẫn gặp khó khăn lớn về giám sát, kỹ thuật và chế tài.
Việc kiện tụng cũng không phải là lựa chọn dễ dàng với nghệ sĩ. Không ít vụ việc kéo dài cả năm mà không có phán quyết rõ ràng. Nhiều nền tảng như YouTube hay TikTok chỉ tạm gỡ nội dung khi có khiếu nại, nhưng không triệt tiêu tận gốc. Nhạc sĩ Doãn Nho mới đây cho biết, ông đã gửi đơn kiến nghị tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vì tình trạng xâm phạm bản quyền các tác phẩm của mình diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Ông khẳng định đã ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC quản lý và khai thác toàn bộ tác phẩm, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi không ủy quyền quản lý hoặc chuyển giao quyền sở hữu hay sử dụng các tác phẩm âm nhạc của mình cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào khác. Nhưng hiện nay, có nhiều cá nhân và tổ chức sử dụng các tác phẩm của tôi để phát hành trên các nền tảng mà chưa xin phép hay trả tiền bản quyền. Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của tôi”.
Trong vụ tranh chấp gây chú ý hồi tháng 5/2025, VCPMC đã kiện Công ty BH Media lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội. VCPMC cho rằng, BH Media đã vi phạm quyền tác giả bằng cách tiếp tục phổ biến các ca khúc cách mạng (như Đoàn vệ quốc quân, Chiếc gậy Trường Sơn, Cô gái mở đường) trên YouTube mà không thanh toán đầy đủ các loại phí quyền. BH Media phản bác rằng, VCPMC đã thu tiền từ YouTube nhưng lại “ tận thu”, chặn video để buộc đóng thêm tiền tác quyền là hành vi “không minh bạch” và “lạm quyền”.
![]() |
Nhạc sĩ Doãn Nho lên tiếng vì bị vi phạm bản quyền |
Một vụ kiện bản quyền khác cũng chưa có hồi kết: Ngày 11/6/2025, Công ty TTV, quản lý của ca sĩ Đình Nguyễn, chủ nhân bản hit Mối tình không tên đã khởi kiện ca sĩ Quốc Thiên vì tiếp tục biểu diễn và đăng tải ca khúc này dù đã hết hạn cấp phép (hợp đồng độc quyền từ 1/9/2023 đến tháng 8/2024). TTV yêu cầu Quốc Thiên dừng biểu diễn, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Thực ra, đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Nhìn xa hơn, vi phạm bản quyền không chỉ là chuyện của pháp lý, mà là vấn đề văn hóa. Để xây dựng được văn hóa “trả bản quyền cho tác giả”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khoa, cần sự phối hợp của nhiều bên: Hệ thống giáo dục giảng dạy về bản quyền từ cấp phổ thông, các nền tảng kỹ thuật số tăng cường kiểm soát nội dung vi phạm, cơ quan quản lý có cơ chế phản ứng nhanh với vi phạm, và trên hết là người dùng biết từ chối cái sai, chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng. “Sản phẩm âm nhạc, cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt, và có giá của nó”, ông Nguyễn Khoa nói.