Nhảy đến nội dung
 

Xá lợi Phật là gì? Lý giải về bảo vật linh thiêng đang được chiêm bái tại chùa Thanh Tâm

Xá lợi Phật đang tôn trí để người dân chiêm bái ở chùa Thanh Tâm là bảo vật thiêng liêng của nhân loại. Vậy xá lợi Phật là gì, vì sao được tôn kính và có ý nghĩa ra sao trong Phật giáo?

Từ sáng 2.5, thời điểm xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên chuyên cơ quân sự của Ấn Độ lần đầu tiên đến Việt Nam được xem là khoảnh khắc thiêng liêng với tăng ni, phật tử, người mến mộ đạo Phật. 

Xá lợi Phật là gì?

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho biết, không chỉ Đức Thích Ca Mâu Ni mà các bậc thánh tăng, tổ sư nhờ công phu tu tập suốt một đời đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh bằng giới, định và tuệ nên những tinh túy của thể chất tích tụ lại thành khối rắn, vượt thời gian - gọi là xá lợi.

Điều này có thể lý giải dưới góc độ khoa học tương tự các hiện tượng tự nhiên. Ví dụ như, cây cổ thụ theo từng năm tuổi mà độ rắn chắc sẽ khác nhau. Trong lòng đất bao la sỏi, đá nhưng có những viên kim cương rắn chắc vô cùng - đó là năng lượng của thiên nhiên, đất trời, con người nếu biết tu tập cũng đạt được điều đó.

Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc bồ đề, ngài đã không mệt mỏi truyền bá đạo pháp. Ban ngày, ngài đi giáo hóa độ sinh, thuyết pháp, đêm về lại thiền định. Công phu tu tập của Đức Thế Tôn đã tích tụ nên năng lượng. Năm 80 tuổi, ngài viên tịch, các thánh đệ tử đã lập dàn để thiêu nhục thân của ngài thì sau khi da thịt gân tiêu tán, còn lại vô số xá lợi, đó là vật rắn, long lanh sắc màu.

Thời đó, các quốc gia tranh giành vì ai cũng mong muốn có được xá lợi của Đức Thế Tôn để thờ tự. Những người thuộc bộ tộc Thích Ca cho rằng họ phải được thờ tự vì ngài thuộc dòng dõi Thích Ca, người thuộc bộ tộc khác thì nói ngài từng sống trên vùng đất của họ nên họ phải được thờ...

Cuối cùng, một người lên tiếng phân minh, cho rằng Đức Thế Tôn là đấng giác ngộ, đem bình an cho mọi người, do đó không nên tranh giành, mà chia đều xá lợi của ngài thành 8 phần bằng nhau, chia đều cho các quốc gia.

"Đáng tiếc là nhiều thế kỷ sau đó theo tiến trình lịch sử, đạo Phật bị mai một dần gốc rễ. Đến năm 1898, một nhà khảo cổ người Anh đã tìm thấy chiếc hộp bằng đá. Ông đã giải mã, nghiên cứu thì xác định đây là hộp thờ xá lợi của Đức Thích Ca Mâu Ni", thượng tọa chia sẻ.

Sau đó, xá lợi này được đem vào Viện bảo tàng quốc gia của Ấn Độ - nơi trưng bày hơn 200.000 bảo vật khác nhau.

Thời gian đầu, xá lợi Phật được để chung với những vật khác nhưng mỗi ngày người đến chiêm bái đông và bày tỏ niềm tôn kính thiêng liêng nên sau đó được đặt ở vị trí tôn kính trong Viện bảo tàng quốc gia Ấn Độ.

Năm 1997, Thái Lan cúng dường 1 tháp, trên đỉnh tháp nạm nhiều vàng tặng cho Ấn Độ để xá lợi Đức Thế Tôn được thờ trong tháp này cho đến ngày hôm nay. Trong nhiều năm qua, kể từ khi Liên Hiệp Quốc công nhận ngày ra đời Đức Thích Ca Mâu Ni là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới thì mỗi năm các quốc gia cung thỉnh xá lợi Phật từ Ấn Độ về để người dân chiêm bái.

Năm 2025, Việt Nam đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Việt Nam có công hàm gửi Chính phủ Ấn Độ và được đồng ý để Việt Nam cung rước xá lợi về tôn trí cho người dân chiêm bái trong 20 ngày.

Ấn Độ đã cử 1 đoàn qua Việt Nam thị sát, khảo cứu về địa điểm, không gian, nhiệt độ máy lạnh... Chính Phủ Ấn Độ đồng thời yêu cầu đón rước xá lợi bằng nghi thức tiếp đón một nguyên thủ quốc gia, đi bằng máy bay quân sự của Ấn Độ.

Xá lợi Phật ở chùa Thanh Tâm

Thượng tọa Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, người ta hay nghi ngờ khi nghe nhắc đến nơi này hay nơi kia có xá lợi Phật, nhưng chắc chắn xá lợi Đức Thích Ca Mâu Ni mà người dân Việt Nam đang chiêm bái ở chùa Thanh Tâm là có thật. Đây được coi như bảo vật quốc gia của Ấn Độ.

"Chính xác hơn, xá lợi Phật đang tôn trí và chiêm bái ở chùa Thanh Tâm là bảo vật linh thiêng của nhân loại. Nói như vậy bởi lẽ Đức Thế Tôn ra đời vì an lạc, hạnh phúc cho loài người, di sản ngài để lại là di sản của nhân loại", thượng tọa chia sẻ.

Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, chúng ta thường ngộ nhận là xá lợi chỉ là xương, răng, tóc... hay phần nào đó của cơ thể khi thiêu đốt vẫn còn lại. Tuy nhiên, hiểu vậy là chưa đủ, đó là phần vỏ, tinh túy nhất là phần lõi - xá lợi nằm trong lõi của tủy xương một người tu hành, khi thiêu đốt cơ thể, còn lại nhưng vật rắn, có màu sắc long lanh.

"Xá lợi ở đây được hiểu là những cái tinh túy nhất của Đức Phật, đó là công phu tu tập của một bậc giác ngộ dùng thiền định để thực tập mỗi ngày", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.