Vượt qua Facebook, Viber, Telegram, 85% người Việt dùng ứng dụng Zalo

Với gần 78 triệu người dùng thường xuyên, Zalo trở thành OTT được nhiều người Việt sử dụng nhất, vượt qua cả Facebook, Viber, Telegram.
Hơn 10 năm về trước thị trường Việt Nam được nhận định là sân chơi “đẫm máu” của các ứng dụng OTT (ứng dụng cung cấp hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa trên Internet) cả ngoại và nội. Các chiến binh ngoại với nhiều tên tuổi như Line, Kakao Talk, Viber, Wechat… Các OTT nội tham chiến như Zalo, Btalk, Halo, Mocha, VietTalk…
Cuộc chiến của các OTT thời điểm đó được ví như cuộc “chơi khô máu” bởi ai hết tiền trước sẽ đồng nghĩa với việc phải rời cuộc chơi. Thậm chí vào khung giờ vàng trên VTV là sân chơi của Line, Kakao Talk và Zalo với các TVC (quảng cáo trên truyền hình) có sự tham gia của các ngôi sao, hot girl như: Minh Hằng, Midu, nhóm Big Bang…
Sau cộc chơi “đẫm máu” này, Zalo đã trở thành người thắng cuộc khi đánh bại các OTT ngoại trên sân nhà. Thống kê ở thời điểm này Zalo tiếp tục giữ vững vị thế là công cụ liên lạc hàng đầu tại Việt Nam với gần 78 triệu người dùng thường xuyên.
Nền tảng đồng thời dẫn đầu về tỉ lệ sử dụng (85%) theo báo cáo mới nhất của Decision Lab. Đáng chú ý, khoảng 20% người dùng Zalo đang sử dụng các tính năng có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong nền tảng mỗi tháng.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG cho hay, Zalo giữ vững vị thế là nền tảng nhắn tin số một tại Việt Nam, vượt xa Facebook, Viber hay Telegram. Zalo cũng tiên phong dẫn dắt cuộc cách mạng AI trong nước với mô hình ngôn ngữ lớn KiLM và trợ lý giọng nói Kiki. Với gần 80 triệu người dùng hằng tháng, Zalo đang mở ra cơ hội đổi mới chưa từng có cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua hệ sinh thái ứng dụng vệ tinh (Mini Apps) và dịch vụ gửi tin nhắn thông báo (Notification Services).
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành động lực then chốt của nền kinh tế, Zalo đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp gồm Zalo Official Account (OA) và Zalo Mini App. Các giải pháp này không chỉ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận khách hàng hiệu quả. Đến hết năm 2024, Zalo ghi nhận hơn 13 triệu người dùng thường xuyên sử dụng Mini App với tổng số 3.465 Zalo Mini App đang hoạt động.
Zalo OA đóng vai trò như một “cầu nối số hóa” giữa doanh nghiệp, người dùng và chính quyền. Với Zalo OA, các doanh nghiệp có thể thiết lập tài khoản “chính chủ” để tương tác trực tiếp, xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng và tiếp thị phù hợp, từ đó gia tăng sự gắn kết với người tiêu dùng.
Zalo đã trở thành động lực then chốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi số hành chính công tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2024, Zalo đã có 17.273 Zalo OA (tài khoản Zalo chính thức) thuộc các cơ quan nhà nước và khối tiện ích công (y tế, giáo dục…), phục vụ hơn 40 triệu lượt theo dõi tại 63 tỉnh thành, hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục hành chính và tương tác với chính quyền.
Theo thống kê của Cục Thông tin cơ sở, tính đến hết năm 2024, đã có 4.024 xã, phường, thị trấn trên cả nước có trang Zalo OA thông tin cơ sở, đạt tỷ lệ 40%. Mục đích của các trang Zalo OA nhằm tăng tương tác, kết nối, truyền tải thông tin và mang lại giá trị cho người dùng. Đây được đánh giá là kênh truyền thông tương tác giữa chính quyền cơ sở với người dân.
Mô hình truyền thông qua Zalo đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Số liệu của Zalo cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, các trang Zalo OA của cơ quan nhà nước đã thu về hơn 57 triệu lượt quan tâm và 1,6 tỷ lượt tương tác giữa người dân và chính quyền các cấp.
Thay vì đến trực tiếp tận nơi để được giải đáp thắc mắc hay làm thủ tục, người dân có thể bấm thông tin trên trang Zalo OA của địa phương nơi mình sống để được hướng dẫn các thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin hoặc gửi ý kiến phản hồi.
Hiện Cục Thông tin cơ sở đang hỗ trợ các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc thiết lập tài khoản để tạo mạng lưới Zalo OA, phục vụ hoạt động thông tin cơ sở. Đơn vị này đặt mục tiêu hết năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn sẽ có trang Zalo OA thông tin cơ sở..