Nhảy đến nội dung
 

Vượt mặt sầu riêng, thanh long liệu có trở lại 'câu lạc bộ tỉ USD'?

Xuất khẩu thanh long đã vượt mặt sầu riêng trong quý 1/2025. Mặt hàng từng là sản phẩm xuất khẩu số 1 của rau quả Việt Nam liệu có cơ hội quay lại 'câu lạc bộ tỉ USD'?

Theo báo cáo của hải quan Việt Nam, kết thúc quý 1/2025 vua trái cây "sầu riêng" đạt kim ngạch vỏn vẹn có 98 triệu USD, xếp thứ 3 trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bất ngờ là xuất khẩu thanh long chiếm lại vị trí đứng đầu với kim ngạch đạt gần 155 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 2 là chuối với 128 triệu USD.

Thị trường chủ lực của thanh long vẫn là Trung Quốc với giá trị đạt 106 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2024 giảm 14%. Ngoài Trung Quốc, có thêm 6 thị trường khác cùng xu hướng giảm. Vị trí thứ 2 thuộc về Ấn Độ, đạt 14,5 triệu USD tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ở vị trí thứ 5 là Thái Lan đạt 3,7 triệu USD, tăng 12%; Canada đứng ở vị trí thứ 7 với 2,2 triệu USD tăng 10%.

Theo khảo sát của Thanh Niên, giá thanh long ruột trắng ở Bình Thuận hiện dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, loại chất lượng cao xuất đi Nhật Bản lên đến 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Long An và Tiền Giang, giá thanh long ruột đỏ đang ở mức phổ biến 25.000 - 27.000 đồng/kg, cao hơn trung bình các năm cùng kỳ khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn nguyên nhân giá tăng là do diện tích trồng thanh long bị thu hẹp vì bị các loại cây có hiệu quả kinh tế cao thay thế. 

Nhìn vào diễn biến thị trường hiện tại, nhiều người kỳ vọng thanh long sẽ quay trở lại câu lạc bộ tỉ đô. Tuy nhiên ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, điều này khó xảy ra. Bởi Trung Quốc, thị trường chủ lực của trái thanh long từ nay đến tháng 9 sẽ giảm dần nhu cầu tiêu thụ và cả nhập khẩu vì hàng nội địa sẽ chiếm lĩnh. 

Ấn Độ, hiện nay lượng hàng nhập khẩu vẫn còn thấp. Ấn Độ có điều kiện tự nhiên gần tương đồng với chúng ta, số liệu cập nhật cách đây khoảng 3 năm cho biết Ấn Độ có khoảng 60.000 ha thanh long. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu chỉ khoảng 10 - 20% so với Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí logistics, thanh toán cũng phức tạp… nên thị trường này nếu có phát triển cũng khó vượt con số 100 triệu USD. Các thị trường còn lại giá trị kim ngạch cũng không quá lớn. Với những diễn biến thực tế trên cho thấy thanh long khó có cơ hội quay lại "câu lạc bộ tỉ USD".

Thanh long nhiều năm trước là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam. Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu thanh long đạt kim ngạch 1,15 tỉ USD và chắc chân ở "câu lạc bộ tỉ đô" đến năm 2021. Thế nhưng, từ năm 2022 bất ngờ giảm mạnh, chỉ còn 642 triệu USD do Trung Quốc đã trồng được thanh long và chỉ còn nhập hàng Việt Nam theo mùa vụ. Đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam chỉ còn 516 triệu USD, giảm 16% so với năm 2023; đứng thứ 2 sau sầu riêng với 3,2 tỉ USD.