Vụ tuồn đất hiếm sang Trung Quốc: Cựu thứ trưởng nói 'đây là bài học đắt giá'

Nói lời sau cùng trong vụ án khai thác đất hiếm trái phép, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận 'đây là bài học đắt giá' đối với bản thân.
Chiều 15.5, sau gần 5 ngày xét xử vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương), hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội cho các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi tòa tuyên án vào chiều 21.5 tới.
Trong vụ án này, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn là người bị truy tố 3 tội danh: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường. Đại diện Viện KSND đề nghị tuyên phạt bị cáo này mức án tổng hợp từ 12 - 15 năm tù.
Nói lời sau cùng, bị cáo Huấn gửi lời cảm ơn tới đại diện Viện KSND khi đã công tâm, áp dụng chính sách nhân văn cho bản thân. "Tôi cảm ơn thật lòng, đến chết không quên được hôm nay", bị cáo Huấn nói.
Giống với trình bày tại phần xét hỏi và tranh luận, bị cáo Huấn khẳng định bản thân mong muốn xây dựng cả hai nhà máy thủy luyện và chiết tách để phục vụ khai thác đất hiếm, song "đang làm thì bị bắt, chứ không phải không triển khai".
Chủ tịch Công ty Thái Dương cũng gửi lời xin lỗi tới các bị cáo khác trong vụ án, vì ít nhiều cũng là nguyên nhân khiến họ vướng vào vòng lao lý. "Tôi xin lỗi nhất là anh Nguyễn Linh Ngọc", bị cáo nói và xin hội đồng xét xử xem xét cho hưởng mức án khoan hồng.
Cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc bị đề nghị mức án 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị cáo Ngọc "thấy ân hận và có trách nhiệm một phần" đối với các sai phạm trong vụ án.
Cựu thứ trưởng nói đã nhận thức được nhiều vấn đề trong công tác quản lý khoáng sản, cũng như một số lỗ hổng về cơ chế, chính sách thẩm định, cách làm việc…
Bị cáo hy vọng đây là bài học đắt giá, không chỉ với bản thân mà cho nhiều người đang làm công tác quản lý trong lĩnh vực này, phải nghiêm túc nhìn nhận, sửa đổi và khắc phục hạn chế.
Cuối cùng, ông Ngọc mong được hưởng mức án nhẹ nhất, để có cơ hội sớm trở về cống hiến cho xã hội, nhất là công tác bảo vệ môi trường.
Tại phần tranh luận trước đó, bị cáo Đoàn Văn Huấn và luật sư cùng có đề nghị xem xét lại cách tính toán thiệt hại của vụ án.
Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng đang sử dụng 2 cơ sở để xác định giá trị khoáng sản đã khai thác trái phép. Một là số lượng khoáng sản thành phẩm (quặng đất hiếm và quặng sắt) mà Công ty Thái Dương đã tiêu thụ. Hai là số lượng khoáng sản đã khai thác, chưa qua chế biến và hiện đang nằm tại kho.
"Số khoáng sản đều do cùng một chủ thể, đều do hành vi khai thác trái phép, nhưng lại được xác định bởi giá trị khác nhau", luật sư nói và cho rằng cần tính thiệt hại theo giá trị khoáng sản nguyên khai - tức là chưa qua chế biến (tuyển, sàng, thủy luyện…), cũng như chưa bao gồm các chi phí hợp lý khác đến khi ra thành phẩm.
Chủ tịch Công ty Thái Dương cũng đề nghị được trả lại con dấu của doanh nghiệp, đồng thời được làm thủ tục ủy quyền cho vợ để tiếp tục giải quyết công việc, trả lương cho người lao động, có nguồn tiền nộp khắc phục hậu quả…