Vụ 'tuồn' đất hiếm sang Trung Quốc: Cựu thứ trưởng cùng loạt 'sếp' doanh nghiệp lãnh án

Cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT cùng lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp lãnh án trong vụ án khai thác trái phép, 'tuồn' đất hiếm sang Trung Quốc.
Chiều 21.5, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án đối với 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương).
Chủ tịch Công ty Thái Dương còn phải nộp hơn 665 tỉ
Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT, mức án 3 năm tù (trước đó đại diện viện kiểm sát đề nghị 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, bị tuyên mức án 5 năm tù.
Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị tuyên mức án tổng hợp 14 năm 6 tháng tù về 3 tội danh: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường.
Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam, bị tuyên mức án tổng hợp 16 năm tù về các tội danh buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm bị cáo còn lại, gồm nhân viên các công ty và cựu cán bộ thuộc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, bị tuyên thấp nhất 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 8 năm 6 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi bất chính. Trong đó, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn còn phải nộp hơn 665 tỉ đồng, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam Lưu Anh Tuấn còn phải nộp 233 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty Thái Dương phải xử lý triệt để, khắc phục hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường khi đổ hơn 35.000 tấn chất thải trái phép ra khu vực mỏ Yên Phú. UBND tỉnh Yên Bái phải đôn đốc việc khắc phục này, tránh để ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của đồng bào.
Án sơ thẩm còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Thái Dương; kiến nghị cơ quan điều tra truy tìm các cá nhân bỏ trốn, tránh bỏ lọt tội phạm.
Khai thác trái phép, "tuồn" đất hiếm sang Trung Quốc
Theo cáo buộc, năm 2011, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ lần đầu, sau đó tiếp tục nộp lại hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Hồ sơ của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp (đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp mới), không có giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy thủy luyện, nhà máy chiết tách.
Theo quy định, nếu muốn thực hiện, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phải đảm bảo 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Song, Công ty Thái Dương chỉ có 200 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư dự án là 1.953 tỉ đồng, tức chỉ đạt hơn 10%.
Những thiếu thốn trong hồ sơ của Công ty Thái Dương có thể dễ dàng nhìn thấy, thế nhưng doanh nghiệp này vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp một cách ngoạn mục.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ TN-TM là đơn vị tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của Công ty Thái Dương. Khi thẩm định, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cùng một số cán bộ của đơn vị này đã nhận xét là "đủ điều kiện", từ đó trình lãnh đạo bộ quyết định cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp.
Sau đó, với tư cách Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Nguyễn Linh Ngọc ký cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương. Với "giấy thông hành" này, doanh nghiệp của bị cáo Đoàn Văn Huấn chính thức "đặt chân" vào mỏ Yên Phú.
Kết quả điều tra xác định, bị cáo Huấn đã chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 10.000 tấn quặng đất hiếm và hơn 280.000 tấn quặng sắt, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.