Vụ Thùy Tiên là bài học lớn cho Sen Vàng và các công ty quản lý

Chuyên gia nhận định vụ việc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam là cú sốc lớn nhất đối với Sen Vàng, công ty từng quản lý hoa hậu nhiều năm qua.
Phân tích
![]() |
Những ngày gần đây, Sen Vàng bị “réo” trên các nền tảng mạng sau sự việc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa dối khách hàng”.
Với fan sắc đẹp, cái tên Sen Vàng không còn xa lạ. Bởi công ty này có trên 10 năm hình thành và phát triển trong lĩnh vực tổ chức, quản lý hoa hậu. Nắm trong tay bản quyền của nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn như Miss Grand Vietnam, Miss World Vietnam, Miss International Vietnam…, Sen Vàng được xem là “đế chế” tại thị trường sắc đẹp nội địa những năm qua.
Song sau khi “át chủ bài” của công ty này là Thùy Tiên vướng vào lao lý, công chúng bắt đầu đặt câu hỏi về hoạt động quản lý talent của công ty Sen Vàng.
Theo chuyên gia, Thùy Tiên từng là một trong những gương mặt được Sen Vàng lăng xê mạnh nhất, đại diện cho cả "giấc mơ hoa hậu" mà họ đã xây dựng cho các cô gái trẻ suốt nhiều năm. Vậy nên, dù thông báo chấm dứt hợp đồng từ 20/5, công chúng vẫn nhìn Sen Vàng như một phần trong hành trình của Thùy Tiên. Và vụ việc liên quan đến Thùy Tiên là cú sốc lớn nhất của công ty này trong hơn một thập kỷ qua.
Bên trong Sen Vàng và các công ty quản lý hoa hậu
Ngoài Sen Vàng, một số công ty quản lý hoa hậu có tiếng tại Việt Nam những năm qua, có thể kể đến như Unicorp, Elite… Đây cũng chính là những đơn vị nắm bản quyền, tổ chức các cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn, nhiều năm qua. Các thí sinh giành vương miện sau đó ký kết hợp đồng và trở thành talent chính thức của công ty. Thông thường, các công ty quản lý nói trên sẽ ký hợp đồng với hoa hậu và hai á hậu (hoặc thay đổi, tùy theo format của từng cuộc thi).
Các hoa hậu, á hậu này trở thành “tài nguyên”, gắn bó với công ty quản lý theo các giai đoạn, thông thường là cột mốc hai năm đương nhiệm. Họ đồng hành cùng đơn vị quản lý trong các hoạt động như thiện nguyện, xã hội, trả quyền lợi cho nhà tài trợ…
Trong thời gian hai năm, công ty này quản lý các hoa hậu, á hậu dựa vào hợp đồng talent ký kết giữa hai bên. Trong hợp đồng quy định rõ điều khoản, danh mục về việc công ty đầu tư ra sao cho talent từ hình ảnh, truyền thông, trang phục đến chiến lược phát triển, đào tạo các kỹ năng… Ngoài ra, tỷ lệ phân chia lợi nhuận về thương mại cũng được đề cập cụ thể trong hợp đồng. Tùy vào từng công ty mà tỷ lệ này có thể dao động mức 60-40% hay 70-30% (công ty - talent). Thông thường, trong hai năm này, các talent không được trả lương. Thay vào đó, công ty sẽ thanh toán cho hoa hậu, á hậu dựa vào các hợp đồng quảng cáo, dự sự kiện, livestream…
![]() |
Hoa hậu Thùy Tiên ở đỉnh cao sự nghiệp trước khi vướng vào vụ án kẹo Kera. |
Về cơ bản, các công ty quản lý hoa hậu có cách thức hoạt động giống như những công ty quản lý nghệ sĩ khác. Ở giai đoạn đầu, các công ty quản lý phải chi tiền túi để đầu tư cho talent. Xung quanh một hoa hậu, á hậu luôn có ít nhất 2 người đi cùng, gồm trợ lý, chuyên gia trang điểm, chụp ảnh, quay phim… Ngoài ra, việc phát triển hình ảnh của hoa hậu, á hậu trên social, truyền thông.. cũng ngốn số tiền không nhỏ của các đơn vị.
Với những thí sinh đi thi quốc tế, số tiền mà công ty bỏ ra để đào tạo, đầu tư cho người đẹp dao động trong khoảng 5-10 tỷ đồng, tùy vào quy mô, chất lượng, tiêu chí của từng cuộc thi sắc đẹp. Khi trở về từ những sân chơi này (dù có thành tích hay không), các người đẹp phải lao vào guồng làm việc để bù đắp số tiền mà công ty quản lý đã bỏ ra. Kết thúc hợp đồng talent sau hai năm, các hoa hậu, á hậu có thể chọn cách rời công ty và hoạt động độc lập. Với những người đẹp vẫn quyết định ở lại, gắn bó với công ty, họ sẽ ký tiếp một hợp đồng thương mại với thời hạn 2 năm trở lên. Với hợp đồng thứ hai, tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa hai bên thay đổi, thông thường là 50-50%. Ngoài việc kiếm các hợp đồng thương mại, quảng cáo…, lúc này, vai trò của công ty quản lý đối với hoa hậu, á hậu sẽ bước sang một giai đoạn mới. Họ phải là người hoạch định chiến lược phát triển, hình ảnh cho talent sau kết thúc nhiệm kỳ, khi mà hoa hậu, á hậu chỉ còn là danh xưng. Đơn cử, Hoa hậu Đoàn Thiên Ân, Tiểu Vy chuyển hướng sang làm diễn viên; Lương Thùy Linh, Ngọc Châu thử sức với công việc dẫn chương trình hay Ngọc Hằng, Kiều Loan đi hát… Tất cả đó đều nằm trong kế hoạch phát triển talent của công ty, dựa trên đánh giá về khả năng, sự phù hợp của hoa hậu, á hậu đối với từng lĩnh vực. Ông Phúc Nguyễn, Founder Leading Media, người có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, quản lý hoa hậu, chia sẻ với Tri Thức - Znews, phát triển sau hàng chục năm, lĩnh vực đào tạo sắc đẹp non trẻ của Việt Nam đang hoạt động, phát triển dựa theo mô típ của ngành công nghiệp hoa hậu ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các công ty quản lý hoa hậu nội địa mới chỉ chú trọng khâu đào tạo sau đăng quang và giai đoạn ngắn hạn, manh mún. Trong khi đó, những lò đào tạo hoa hậu trên thế giới như Venezuela, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines..., quá trình đào tạo "dài hơi" và đi theo lộ trình chuyên nghiệp, bài bản. Ngoài ra, những điều khoản, ràng buộc về mặt hợp đồng ở các công ty hoa hậu quốc tế chặt chẽ, biện pháp xử phạt mạnh hơn khi talent vi phạm hoặc gây ra những vụ bê bối, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đơn vị quản lý. Cú sốc Thùy Tiên và bài học cho các công ty quản lý Trở lại với đầu bài viết, trong số các công ty quản lý hoa hậu đang hoạt động hiện nay tại Việt Nam, Sen Vàng đang là đơn vị nắm trong tay nhiều talent nhất. Có thời điểm, công ty của bà Phạm Kim Dung quản lý hàng chục hoa hậu, á hậu, nam vương. Giai đoạn hoàng kim nhất của công ty này rơi vào khoảng năm 2021 đến 2023, cột mốc quan trọng nhất là lúc Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021. Không chỉ tổ chức các cuộc thi do đơn vị này nắm bản quyền như Miss Grand Vietnam, Miss World Vietnam, Sen Vàng còn đăng cai Miss Grand International 2023, Mr. World 2024... Chưa dừng lại ở đó, Sen Vàng mở ra nhiều sân chơi sắc đẹp, gần nhất có Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Theo đánh giá của ông Hạ Hồng Việt, giám đốc công ty về truyền thông tại Hà Nội, Sen Vàng từng rất mạnh ở khả năng đào tạo, huấn luyện, lăng xê và đưa người đẹp ra thế giới. Nhưng khi câu chuyện chuyển sang "vùng xám" như kinh doanh, quảng cáo, định hướng sau đăng quang, họ chưa có sự đầu tư nghiêm túc. Bên cạnh đó, số lượng talent của công ty này khá đông, tổ chức quá nhiều cuộc thi trong cùng năm, trong khi lượng nhân sự có hạn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thi cũng như thành công của từng hoa hậu, á hậu.Việc Thùy Tiên vướng vào lao lý do liên quan đến vụ án kẹo Kera, bị khởi tố, bắt tạm giam mới đây ít nhiều ảnh hưởng thương hiệu Sen Vàng. "Sự việc lần này đã vượt xa quy mô của một scandal cá nhân. Nó ảnh hưởng đến mô hình đã từng rất thành công: tạo ra hoa hậu, xây dựng hình ảnh đẹp, rồi khai thác thương mại hoặc để họ tự lo. Khi một cô hoa hậu quốc dân, từng thể hiện mong muốn trở thành một "hoa hậu tử tế", từng là một trong những hình ảnh đại diện tiêu biểu khiến người ta nhớ tới giờ lại bị khởi tố tội 'Lừa dối khách hàng', chẳng có lý do gì để công chúng không quay lại đặt câu hỏi: Ai đang dẫn dắt họ? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi một cô hoa hậu kiểu mẫu trở thành bị can?", chuyên gia đặt ra vấn đề. Từ vụ việc của Thùy Tiên, chuyên gia cho rằng các công ty quản lý hoa hậu nên nhìn nhận lại về vai trò quản lý và định hướng hình ảnh đối với talent. Ngoài việc đào tạo cho talent các kỹ năng như catwalk, ngoại ngữ, chăm chút vẻ ngoài, trang phục..., công ty cần dạy hoa hậu, á hậu về cách đánh giá, từ chối những cơ hội hợp tác có vấn đề, chịu trách nhiệm với những điều mình nói và làm, cách để xây dựng và giữ gìn uy tín cá nhân... "Danh hiệu hoa hậu, á hậu đặt lên vai người mang nó rất nhiều trách nhiệm cộng đồng. Những nhà quản lý hoa hậu cũng cần phải hiểu điều đó. Và trong kinh doanh, nếu không thể đảm bảo được chất lượng đầu ra, nên cân nhắc kỹ trước khi mở rộng. Còn nếu họ không làm được điều đó, tốt nhất đừng tự gọi mình là công ty quản lý", ông Việt kết luận. Chuyên mục giải trí giới thiệu cuốn Tiếng lòng bác sĩ là những lời thật lòng của một bác sĩ về công việc của mình, đồng thời là những giãi bày tâm tư của ông về những vấn đề mà các bác sĩ khó có thể chia sẻ hoặc nói trực tiếp với bệnh nhân. Sách cũng giúp mọi người hiểu được phần nào về ngành y tế vốn luôn “kín cổng cao tường”.