Vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình: Khảo sát không phát hiện túi bùn?

Nguyên nhân sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình (Tây Ninh) nhiều khả năng do túi bùn cục bộ dưới nền đường và chưa được phát hiện đầy đủ trong quá trình khảo sát.
Ngày 22.5, thông tin từ UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, UBND H.Châu Thành vừa có báo cáo về sự cố sụt lún mặt đường ở công trình cầu Hòa Bình.
Theo đó, khoảng 4 giờ 30 ngày 11.5, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra tại dự án xây mới cầu Hòa Bình, H.Châu Thành (Tây Ninh), khi mặt đường dẫn vào cầu bất ngờ bị sụt lún. Vụ việc khiến nhiều người bị thương, gây hư hại 1 ô tô trị giá gần 400 triệu đồng và 2 xe máy khoảng 20 triệu đồng.
Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND H.Châu Thành đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo phân luồng giao thông, thăm hỏi các nạn nhân; đồng thời đã mời đơn vị tư vấn độc lập (Công ty CP UTC2 thuộc Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) vào cuộc để đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý.
Túi bùn dưới nền đường chưa được phát hiện trong quá trình khảo sát
Theo đánh giá ban đầu từ đơn vị tư vấn, nguyên nhân sự cố nhiều khả năng do túi bùn cục bộ dưới nền đường chưa được phát hiện đầy đủ trong quá trình khảo sát. Đơn vị thiết kế đã nhập số liệu địa chất chưa chính xác, khiến hệ số an toàn bị đánh giá cao hơn thực tế, dẫn đến việc lựa chọn giải pháp xử lý móng không tối ưu.
Công ty TNHH Vũ Hoan (đơn vị thi công) đã cam kết chịu hoàn toàn chi phí khắc phục thiệt hại cho các nạn nhân và sửa chữa công trình trong thời gian sớm nhất. UBND H.Châu Thành cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Châu Thành) khi có giải pháp chính thức từ đơn vị tư vấn, sẽ phối hợp cùng Sở Xây dựng và các bên liên quan để thống nhất phương án, xin ý kiến Công an tỉnh Tây Ninh và triển khai khắc phục ngay.
Thời gian khắc phục dự kiến kéo dài 48 ngày, gồm 7 ngày thi công cọc xi măng đất, 21 ngày thí nghiệm mẫu và 20 ngày thi công các lớp nền, mặt đường. Hiện UBND H.Châu Thành đang tích cực phối hợp các bên để nhanh chóng khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn giao thông và sớm đưa công trình vào sử dụng trở lại.