Nhảy đến nội dung
 

Vũ khí Đức lộ điểm yếu nào ở Ukraine?

Nhiều loại vũ khí do Đức viện trợ được cho là đang gây khó khăn cho các đơn vị tiền tuyến của Ukraine do các thiếu sót kỹ thuật, hạn chế về khả năng cung cấp phụ tùng thay thế, và bảo trì phức tạp.

Bài phân tích hôm 10.4 của báo Spiegel dẫn lại một bài thuyết trình vào tháng 1 của phó tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Đức tại Kyiv. Theo đó, Ukraine ca ngợi một số loại tổ hợp vũ khí của Đức, nhưng vẫn có những loại cho thấy không phù hợp với sự khắc nghiệt của chiến tranh cường độ cao.

Pháo tự hành Pzh 2000, được mô tả là “xuất sắc” về hiệu suất, nhưng lại quá phức tạp về mặt kỹ thuật đến mức “khả năng chiến đấu của nó đang bị nghi ngờ nghiêm trọng”.

Xe tăng Leopard 1A5, mặc dù được xem là “đáng tin cậy”, lại được triển khai như pháo binh ứng biến nhiều hơn do lớp giáp không đủ dày. Trong khi đó, xe tăng Leopard 2A6 tiên tiến hơn thường không thể sửa chữa ở mặt trận do nhu cầu bảo dưỡng và hậu cần tốn kém.

Lực lượng Ukraine cũng gặp vấn đề về hệ thống phòng không. IRIS-T, mặc dù hiệu quả, cũng có hạn chế về khả năng cung cấp và chi phí đạn dược cao.

Một thành phần quan trọng khác của hệ thống phòng không nhiều lớp của Ukraine là tổ hợp tên lửa Patriot chủ yếu cũng do Đức cung cấp, được cho là đã gặp khó khăn trên thực địa do các xe chở tên lửa đã cũ, phụ tùng thay thế cũng ngày càng khó mua.

Tuy nhiên, hệ thống phòng không Gepard là vũ khí Đức thành công nhất được triển khai tại Ukraine. Đây là loại vũ khí đã bị Đức loại biên trước khi tái triển khai để chuyển giao cho Ukraine, nhưng trong cuộc xung đột Gepard được xem là tổ hợp vũ khí “được yêu thích, hiệu quả và đáng tin cậy nhất” trong quân đội Ukraine.

Các nguồn tin trong quân đội Đức xác nhận nội dung của thuyết trình phản ánh thực tế chiến trường. Dù tiên tiến về mặt kỹ thuật, vũ khí Đức được triển khai tại Ukraine trong điều kiện khắc nghiệt khiến hao mòn nhanh chóng.

Việc đào tạo nhanh chóng cho quân đội Ukraine tại Đức thường không có nhiều thời gian để hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu, làm trầm trọng thêm những thách thức về hậu cần.

Các trung tâm sửa chữa ở xa tiền tuyến và cơ sở hạ tầng của Ukraine bị căng thẳng, dẫn đến việc bảo dưỡng tại chỗ trở thành một trở ngại nghiêm trọng. Bất chấp những thách thức này, Đức vẫn là nước viện trợ quân sự hàng đầu của Ukraine tại châu Âu.