Vụ đình chỉ tiếp viên xe buýt giật thẻ, bêu xấu sinh viên: Luật sư nói gì?

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 12.4, các hội nhóm liên quan đến sinh viên lan truyền các bài viết với 2 luồng thông tin về cuộc tranh luận giữa tiếp viên xe buýt và khách đi xe buýt.
Sáng cùng ngày, tài khoản Facebook L.T đã đăng trên Nhóm Xe Buýt TP.Hồ Chí Minh với nội dung kèm hình ảnh một cô gái như sau: "Mặt đẹp gái vậy mà đi thẻ hết hạn. Tịch thu thẻ xong giật máy bán vé không cho tiếp viên bán vé luôn".
Ngay sau đó, cô gái tên T.T đăng tải bài nói rõ về vụ việc nói trên và xác nhận mình là nữ sinh viên bị đăng ảnh. T.T nói rằng hiện là sinh viên năm cuối, nên dùng thẻ sinh viên đi xe buýt. Do không biết thẻ hết hạn, nghĩ vẫn dùng được nên chị T.T đã xuất trình thẻ với tiếp viên xe buýt, thì tiếp viên bảo thẻ hết hạn. Vì thế, mới xảy ra sự việc nêu trên.
Báo Thanh Niên viết Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã yêu cầu đình chỉ ngay với nữ tiếp viên có hành vi "tịch thu thẻ sinh viên", đồng thời yêu cầu xử nghiêm theo quy định. Trung tâm này đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Hợp tác xã Quyết Thắng xin lỗi hành khách về sự việc xảy ra trên tuyến xe buýt số 56.
Dù sự việc đã giải quyết xong, nhưng dư âm trên mạng xã hội vẫn chưa lắng xuống. Nhiều người tranh luận gay gắt về chuyện có được quyền tịch thu sinh viên hay bêu mặt người khác lên mạng hay không.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết thẻ sinh viên là tờ khai định danh sinh viên đại học, trong đó bao gồm đầy đủ họ tên, ảnh đại diện, các thông tin cá nhân và tất nhiên sẽ có mã số sinh viên, trường, lớp, để xác định xem các em là ai, học lớp nào, trường nào.
"Nếu như ngoài xã hội, chúng ta sẽ định danh bằng CMND/CCCD thì trong trường đại học, tất cả sinh viên sẽ được định danh bằng thẻ sinh viên. Như vậy thẻ sinh viên cũng có thể được coi là một loại giấy tờ tùy thân. Đồng thời hành vi tự ý tịch thu thẻ sinh viên cũng có thể coi là chiếm giữ giấy tờ tùy thân trái phép", luật sư Bình nói.
Theo luật sư Bình, theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP nếu chiếm giữ giấy tờ có trị giá dưới 10 triệu đồng thì người chiếm giữ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng. Bên cạnh hình phạt người chiếm giữ giấy tờ có giá còn buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các giấy tờ trên. Trường hợp chiếm giữ giấy tờ có trị giá từ 10 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Và khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tù từ 1 – 5 năm.
Luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng chúng ta cần khẳng định thẻ sinh viên – dù còn hạn hay đã hết hạn – vẫn là tài sản cá nhân, được cấp bởi nhà trường. Đặc biệt, trong trường hợp này còn tích hợp chức năng ngân hàng, nên việc tự ý tịch thu thẻ này mà không có thẩm quyền là có thể được xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu cá nhân.
"Việc sinh viên đã chấp hành quy định và mua vé đúng giá sau khi được thông báo thẻ hết hạn chứng minh rằng không có hành vi gian lận hay trốn vé, nên không có cơ sở nào để tiếp viên có quyền thu giữ giấy tờ cá nhân", luật sư Tuấn nói tiếp.
Cũng theo luật sư Tuấn, hành vi chụp ảnh sinh viên mà không được sự đồng ý, trong khi không phải là người có chức năng xử phạt hay lập biên bản vi phạm. Hành vi này có thể bị coi là xâm phạm quyền về hình ảnh cá nhân, được pháp luật bảo vệ tại Điều 32 và Điều 34 của Bộ luật Dân sự 2015, cũng như vi phạm Khoản 3 Điều 16 luật An ninh mạng 2018 trong trường hợp hình ảnh bị sử dụng để bêu xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
"Khi gặp những trường hợp tương tự, các em sinh viên trước hết cần giữ thái độ bình tĩnh, hợp tác và tuyệt đối không đôi co hay phản ứng nóng nảy tại hiện trường. Đồng thời, cần ghi lại bằng chứng như hình ảnh, video hoặc ghi âm (nếu có thể) để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi sau này. Sau đó, sinh viên nên liên hệ với tổng đài của đơn vị vận tải, Sở Giao thông Vận tải hoặc nhà trường để phản ánh sự việc một cách chính thống. Trong trường hợp có dấu hiệu xâm phạm tài sản cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc hành xử sai thẩm quyền, sinh viên hoàn toàn có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng hoặc yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật", luật sư Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, đây không chỉ là một vụ việc đơn lẻ, mà còn là hồi chuông cảnh báo về việc đào tạo, giám sát và xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân làm việc trong ngành dịch vụ công cộng, nơi cần đặt quyền lợi và sự tôn trọng đối với người dân lên hàng đầu.