Nhảy đến nội dung

Vũ Cát Tường gây tranh cãi

Phát ngôn của Vũ Cát Tường về căn bệnh bản thân đang mắc phải khiến dư luận bàn tán trái chiều, tạo làn sóng hoang mang.

Mới đây, Vũ Cát Tường gây lo lắng khi tiết lộ bản thân mắc bệnh viêm gan siêu vi B, phải uống thuốc hằng ngày và tầm soát ung thư định kỳ. Cụ thể, trên sóng truyền hình, Vũ Cát Tường nói: "Tôi cũng đang bị bệnh viêm gan siêu vi B giống ba, uống thuốc hàng ngày và ba tháng đi tầm soát ung thư. Vì với những người bị di truyền như tôi thì rất dễ bị ung thư. Thực ra, từ khi tôi học cấp 2 đã được ba đưa đi cùng mỗi lần ba đến khám ở bệnh viện. Nhưng trong số 3 người con, chỉ có mình tôi bị bệnh này, hai người còn lại không bị lây bệnh từ ba".

Phát ngôn này của Vũ Cát Tường đã nhanh chóng gây tranh cãi, bởi cách diễn đạt dễ khiến người nghe hiểu sai bản chất của bệnh.

Theo lời Vũ Cát Tường, vì ba cũng từng bị viêm gan B sau đó tiến triển thành ung thư và qua đời nên cho rằng có thể mình "giống ba", bị ảnh hưởng từ yếu tố di truyền. Tuy nhiên, từ góc nhìn y học, viêm gan B không phải bệnh lây từ cha sang con theo đường máu hay gene. Virus HBV chủ yếu lây qua 3 con đường: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con trong lúc sinh. Trong trường hợp của Vũ Cát Tường, có thể hiểu rằng do mẹ sinh hoạt chung nên lây nhiễm từ cha, sau đó truyền sang con.

Nếu người mẹ nhiêm viêm gan B cấp tính, nghĩa là thời gian mắc bệnh dưới 6 tháng thì sau sinh con người mẹ có thể may mắn khỏi bệnh và phát kháng thể, kháng thể này giúp người mẹ không bị mắc lại. Vũ Cát Tường là con đầu lòng của gia đình, đây cũng là lý do có thể những người con sau đó sẽ không mắc viêm gan B. Do đó, cách dùng từ "giống ba" hay "do di truyền" trong phát ngôn của Vũ Cát Tường dễ gây hiểu nhầm rằng căn bệnh này có yếu tố gene, không chính xác về chuyên môn.

Bên cạnh đó, việc Vũ Cát Tường cho rằng viêm gan B "không chữa được" và "con người bất lực trước ung thư" cũng tạo nên nhiều tranh luận. Trên thực tế, viêm gan B có 2 dạng là viêm gan B cấp tính (mới nhiễm) có thể tự khỏi ở phần lớn người trưởng thành có hệ miễn dịch khỏe. Khoảng 90–95% người lớn bị nhiễm viêm gan B cấp tính tự hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị.

Còn dạng thứ 2 là viêm gan mạn tính thì hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng đã có thuốc kháng virus giúp kiểm soát bệnh cực kỳ hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan. Vũ Cát Tường cho biết mắc bệnh từ lâu, hiện vẫn đang uống thuốc nên có thể dạng mắc phải là viêm gan mạn tính. Theo thông tin y học được công bố, người bệnh có thể sống khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường nếu điều trị đúng cách và tầm soát định kỳ. Tương tự, nhiều loại ung thư ngày nay đã có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, chứ không còn là "án tử" như trước kia.

Chia sẻ của Vũ Cát Tường xuất phát từ trải nghiệm cá nhân và cảm xúc chân thật khi từng chứng kiến người thân sống chung với bệnh và hiện tại cũng đang phải điều trị mỗi ngày. Tuy nhiên, là người có sức ảnh hưởng, việc phát ngôn về các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh lý mạn tính hoặc ung thư cần đi kèm với kiểm chứng chuyên môn, để tránh khiến cộng đồng hiểu sai hoặc rơi vào tâm lý tiêu cực. Bởi chỉ một câu nói không rõ ràng cũng có thể tạo ra làn sóng hoang mang trong cộng đồng, nhất là khi bệnh lý đang ngày càng phổ biến và cần được truyền thông bằng thông tin chính xác.

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan siêu vi B (HBV) gây ra. Virus này có thể tồn tại trong cơ thể người bệnh nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nhưng lại dẫn đến tổn thương gan mạn tính, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới, với khoảng 10-20% dân số (8-16 triệu người) nhiễm HBV và viêm gan B là nguyên nhân chính gây 70-80% ca ung thư gan.

Viêm gan B không phải là dấu chấm hết, và hoàn toàn có thể sống chung an toàn nếu người bệnh chủ động kiểm soát, điều trị và hiểu đúng về căn bệnh này. Sự tỉnh táo trong tiếp cận thông tin y tế và lan toả kiến thức đúng đắn trong cộng đồng chính là vũ khí hiệu quả nhất để ngăn chặn "sát thủ giấu mặt" làm ảnh hưởng tinh thần, tâm lý của người mắc bệnh.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn