Vụ bò sữa chết hàng loạt sau tiêm vaccine: Vực dậy sau thảm họa

(Dân trí) - Sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, bò sữa ở Lâm Đồng bị bệnh tiêu chảy và chết hàng loạt. Vụ việc khiến nhiều gia đình đang có thu nhập cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kinh tế giảm sút nhiều tháng liền
Năm 2009, gia đình ông Đỗ Mạnh Hào, trú tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bén duyên với nghề chăn nuôi bò sữa. Với 3 con bò sữa ban đầu, sau nhiều năm, gia đình ông Hào gây dựng, phát triển trang trại chăn nuôi lên hàng chục con, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Đến đầu tháng 8/2024, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục (tiêm vaccine), bò của gia đình ông Hào có triệu chứng sốt, bỏ ăn, sùi bọt mép rồi lăn ra chết.
Ông Đỗ Mạnh Hào cho biết, sau khi tiêm vaccine, có 5 bò mẹ đang cho khai thác sữa bị chết, số còn lại được điều trị kịp thời nhưng sau đó ốm yếu, năng suất sữa kém.
"Sau khi được cơ quan chức năng hỗ trợ số tiền 330 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư thêm 200 triệu đồng để mua bò giống về tái đàn. Hiện nay, gia đình đã khôi phục sản xuất với tổng đàn bò 26 con, trong đó có 12 bò mẹ cho khai thác sữa, thu về hàng chục triệu đồng/tháng", ông Hào chia sẻ.
Tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, gia đình ông K'Sin (dân tộc K'Ho) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng do bò chết sau khi tiêm vaccine.
Ông K'Sin cho biết, đầu năm 2024, gia đình duy trì sản xuất với 37 bò sữa. Đầu tháng 8/2024, sau khi tiêm vaccine, một bò mẹ cho khai thác 30kg sữa/ngày bị chết, 32 con bị tiêu chảy, ốm yếu.
"Bò bị ảnh hưởng sau tiêm vaccine đã khiến kinh tế gia đình sụt giảm suốt nhiều tháng liền. Đến đầu năm nay, sau khi được cơ quan chức năng hỗ trợ 130 triệu đồng, gia đình tôi mới có điều kiện tái đàn, vực lại sản xuất", ông K'Sin nói.
Theo ông K'Sin, hiện nay, gia đình ông đã khôi phục sản xuất với tổng đàn 40 con bò, trong đó gần 20 con cho khai thác sữa, cho thu nhập mỗi ngày 3 triệu đồng. Dịch bệnh được kiểm soát, chất lượng sữa được đảm bảo nên gia đình được một công ty có trụ sở tại địa phương ký hợp đồng thu mua sữa.
41 tỷ đồng bồi thường cho người dân
Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, nghề chăn nuôi bò sữa ở huyện mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Trung bình, hộ chăn nuôi 15 bò sữa đạt lãi ròng hơn 50 triệu đồng/tháng từ việc bán sữa và bán con giống. Do vậy, khi bò nhiễm bệnh, chết, kinh tế các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Sau khi bò sữa nhiễm bệnh, chết vì tiêm vaccine, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân và tổ chức bồi thường, hỗ trợ người dân tái đầu tư, sản xuất. Đến nay, việc tái đàn ở địa bàn huyện đạt khoảng 60%", ông Lê Quang Trung nói.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, cho biết, cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, sau khi tiêm vaccine, có hơn 7.500 bò sữa bị bệnh tiêu chảy, trong đó có 556 con bị chết, 645 bò mẹ bị sẩy thai. Tình trạng bò nhiễm bệnh sau tiêm vaccine xảy ra ở 350 hộ chăn nuôi của các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc…
Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sau đó phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tổ chức bồi thường thiệt hại cho người chăn nuôi bò sữa bị ảnh hưởng.
"Công ty Navetco đã bồi thường, hỗ trợ kinh phí cho 350 hộ chăn nuôi bò sữa bị ảnh hưởng với tổng số tiền 41 tỷ đồng. Hiện nay, người dân có điều kiện tái đàn, ổn định sản xuất, gia tăng thu nhập", ông Phạm Phi Long chia sẻ.
Như Dân trí thông tin, cơ quan chức năng tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn các huyện của tỉnh Lâm Đồng từ ngày 22 đến 31/7/2024 với hơn 31.000 liều. Trong đó, 10.000 liều được thực hiện tiêm cho đàn bò sữa. Sau khi tiêm 7-10 ngày, bò sữa có biểu hiện xuống sức, bỏ ăn, ho, sùi bọt mép, tiêu chảy ra máu và chết.
Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân bò bị tiêu chảy, chết là do nhiễm virus Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa hiện nay của tỉnh là trên 26.530 con, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Bò sữa được nuôi tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố, gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc.