Vụ 60 tấn giá đỗ 'tắm nước kẹo': Chiêu trò đầu độc người tiêu dùng

Do lợi nhuận rất lớn, nhiều người bất chấp thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nên việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.
Đó là chia sẻ của thượng tá Trịnh Nguyên Lượng - phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang - với Tuổi Trẻ Online liên quan tới các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật được cơ quan công an triệt phá gần đây.
Bất chấp lợi nhuận, ngâm giá đỗ bằng hóa chất
Điển hình là vụ khởi tố Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1983, trú phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang), chủ cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất "nước kẹo" 6-Benzylaminopurine (6-BAP) - chất không có trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 344 lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng trên 2,1 tấn giá đỗ các loại từ 1-4 ngày tuổi.
Cạnh đó là nhiều gói chất bột màu trắng cùng các vỏ, túi ni lông đựng chất bột đã qua sử dụng và 15 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo".
Theo lời khai của Tân, từ đầu năm 2025 đến khi bị kiểm tra, cơ sở đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng 60 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng chất kích thích tăng trưởng 6-BAP để ngâm, tưới giá đỗ.
Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất được 500 - 600kg giá đỗ thành phẩm, lợi nhuận rất lớn.
"Lực lượng công an kiên quyết không để thực phẩm bẩn len lỏi, xâm nhập vào thị trường, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Hiện nay Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất giá đỗ nêu trên", thượng tá Lượng thông tin.
Đường tiêu thụ của giá đỗ "bẩn"
Theo thượng tá Lượng, hóa chất trong sản xuất giá đỗ được Nguyễn Văn Tân mua bán trôi nổi trên mạng xã hội như Zalo, Facebook. Các giao dịch đều ẩn danh, gây khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý.
Đáng chú ý, xưởng sản xuất giá đỗ được Tân đặt ở khu vực vắng người qua lại, đường vào khó khăn và được lắp đặt hệ thống camera. Phía trước và sau nhà xưởng đều có cổng, nối ra mặt đường, thuận tiện cho phương tiện ra vào lấy hàng.
Giá đỗ sau khi được phun hóa chất sẽ được chuyển ra chợ Cầu Chui trong đêm hoặc sáng sớm, sau đó bán cho thương lái để tiếp tục chuyển tới đến người tiêu dùng, trong đó có nhiều bữa cơm của người lao động.
Việc sử dụng hóa chất 6-BAP rất nguy hiểm bởi nó dùng để kích thích thực vật phát triển, tươi xanh, nếu dùng cho con người sẽ để lại hậu quả rất lớn, lâu dài ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Từ vụ việc trên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức trong sử dụng thực phẩm, mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín, có đầy đủ giấy phép kinh doanh, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Khi sử dụng, người tiêu dùng cần kiểm tra nguồn gốc, hạn sử dụng, bao bì sản phẩm. Tuyệt đối không mua, sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Người dân phát hiện, nghi ngờ vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hàng giả có thể thông tin với cơ quan chức năng gần nhất, mọi thông tin về danh tính sẽ được bảo mật.