Nhảy đến nội dung

Vòng chung kết giải Lê Quý Đôn năm học 2024-2025: Dùng kiến thức giải bài toán thực tiễn

Vòng chung kết giải thưởng Lê Quý Đôn năm nay yêu cầu học sinh trong vai những người lính trẻ tính toán lương thực, nhiên liệu, tìm các từ khóa giải mã... để tiến về dinh Độc Lập.

Ngay từ sáng sớm 11-5, sân Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM đã rộn ràng những bước chân của các em học sinh THCS trên đầu đội mũ tai bèo. Các em như những "người lính trẻ", đang tập trung về địa điểm hành quân. 

Đó là 680 học sinh THCS của TP.HCM và các tỉnh thành vinh dự lọt vào vòng chung kết giải thưởng Lê Quý Đôn năm học 2024-2025 trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ. Chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.

Niềm vui không bao giờ quên

Để thực hiện bài thi của vòng chung kết, học sinh trải qua hai phần thi tại hai địa điểm. Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, học sinh được phát tư liệu, đọc sách, tham khảo tranh và xem phim để hoàn thành bài thi phần 1. Phần 2 với yêu cầu và nhiệm vụ khác, các em sẽ được tham quan hội trường Thống Nhất.

Mỗi học sinh thi vòng chung kết được phát một cuốn "sổ tay người lính trẻ", trong đó ghi rõ những nhiệm vụ mà "người lính trẻ" phải hoàn thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Sau khi nắm rõ nhiệm vụ, 680 "người lính trẻ" nhanh chóng tìm kiếm địa bàn và có những lựa chọn đọc, nghe, xem, hòa mình vào không gian lịch sử, hào hứng làm bài thi của mình.

Em Mai Ngọc Anh Thy - học sinh lớp 6 Trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 6, TP.HCM) - cho biết sau khi nghe hướng dẫn làm bài của ban tổ chức, nhận được tài liệu "Chiến dịch Hồ Chí Minh" (phụ san báo Nhân Dân) được ban tổ chức phát, em đã đi tham khảo những tài liệu khác tại nơi đọc sách, nơi triển lãm tranh về chiến dịch, xem "những thước phim lịch sử" được chiếu ở phòng hội trường của Trường THPT Lê Quý Đôn rồi chọn góc để ngồi làm bài thi của mình.

"Nhiệm vụ của em là dùng những kiến thức đã học, trong đó chủ yếu là kiến thức môn toán, văn, tiếng Anh để giải quyết bốn phần bài thi trong cuốn sổ tay được phát, gồm: Đêm trước tổng tiến công, Nhịp bước quân hành, Tiếp nối truyền thống cha anh và Cảm xúc đọng lại. Kết hợp những gì ban tổ chức phát cho em cũng như các tư liệu quý được xem, đọc, nghe tại cuộc thi, em làm bài khá nhanh và đọng lại rất nhiều cảm xúc" - Anh Thy nói.

An Chi - học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.HCM) - lại chọn cách đọc qua yêu cầu trong cuốn "sổ tay người lính trẻ" rồi lựa chọn giải quyết phần nào trước. "Với em, được trong vai người lính trẻ là một niềm vui tuyệt vời mà em không bao giờ quên", An Chi chia sẻ.

Sau 70 phút làm bài tại Trường THPT Lê Quý Đôn, những "người lính trẻ" độ tuổi THCS đã vượt qua bài thi phần 1, thẳng tiến về dinh Độc Lập để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo mà đề thi yêu cầu.

Thêm trải nghiệm để có những bài học sâu sắc

Chia sẻ về yêu cầu học sinh hóa thân thành "người lính trẻ" của đề thi tại vòng chung kết giải thưởng năm nay, ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trưởng ban tổ chức - cho biết: "Giải Lê Quý Đôn mong muốn bồi đắp tình yêu nước; khơi lên niềm tự hào về lịch sử, về truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc; nhắc nhớ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước; giúp thế hệ trẻ thêm trân trọng những gì mình đang có và truyền cảm hứng về sự cống hiến cho xã hội, cho đất nước".

Cũng theo ông Quốc, với những yêu cầu đó học sinh được trải nghiệm ở các khu "Thông tin chiến sự", "Những thước phim lịch sử" và trải nghiệm tại dinh Độc Lập. Từ những trải nghiệm rất phong phú, đa dạng, học sinh vận dụng các kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng chắt lọc và xử lý thông tin, khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các yêu cầu của đề bài, mà đề bài ở đây chính là thực hiện một sản phẩm sáng tạo.

Để thực hiện sản phẩm sáng tạo này, học sinh phải có kiến thức sâu rộng và khả năng vận dụng linh hoạt. Ngoài ra thông qua các hoạt động trải nghiệm, giải Lê Quý Đôn năm nay còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung kiến thức về lịch sử cho các em học sinh, kiến thức lịch sử đến với các em một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng; từ đó khơi gợi các giá trị tinh thần như niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, trân trọng lịch sử...

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đồng trưởng ban tổ chức - cho biết thêm giải thưởng mong muốn đem đến cho học sinh những trải nghiệm mới mẻ trong các hình thức thi cử và tạo ra một cuộc thi "chơi mà học".

"Cuộc thi sẽ giúp các em hiểu sâu sắc các em cần học những gì trên trường, trên lớp, những nội dung đó sẽ cần thiết như thế nào trong đời sống thường ngày, trong công việc và cuộc sống của em sau này. 

Nói cụ thể hơn là các em sẽ biết học toán để làm gì, học văn cần như thế nào... hàng loạt bài toán thực tế sẽ được giải quyết nhờ những gì các em tích lũy được qua những năm tháng miệt mài đèn sách trên ghế nhà trường", ông Cường nói.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn