Vợ con đi sơ tán, lão nông lo cơ ngơi 3 tỷ đồng "bay" theo bão Wipha

(Dân trí) - Nhiều chủ đầm nuôi thủy sản ở Thanh Hóa mong bão Wipha nhẹ nhàng đi qua, nếu không họ sẽ chịu thiệt hại lớn.
Sáng 22/7, cơn bão Wipha (bão số 3) sẽ đổ bộ vào đất liền, trong đó Thanh Hóa là một trong những địa phương được dự báo bị ảnh hưởng. Tại khu vực ngoài đê sông Mã, phường Sầm Sơn, nhiều chủ đầm nuôi thủy sản đang "nín thở" chờ bão.
Ông Ngô Hữu Sinh (58 tuổi, trú phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã có nhiều năm nuôi hải sản ngoài đê sông Mã, gần Khu du lịch biển Sầm Sơn. Hiện nay, ông có 2ha đầm nuôi tôm, cua.
Khi biết tin bão Wipha, ông thường xuyên cập nhật thông tin dự báo để triển khai biện pháp ứng phó như chuẩn bị vật tư đá, cát, đóng bao đắp bờ kè dài 200m của hồ nuôi giáp sông Mã.
Trước bão, ông Sinh đã bán hàng trăm kg tôm, cua nhưng hiện tại trong đầm còn khoảng gần 500kg, trị giá cả trăm triệu đồng.
"Nếu bão quá mạnh, nước dâng cao, chúng tôi phải tháo cống điều tiết nước trong đầm ngang với mức ngoài sông để tránh vỡ đê. Điều đó đồng nghĩa với việc mất đi số hải sản đang nuôi. Vì thế, chúng tôi chỉ mong bão nhẹ nhàng đi qua", ông Sinh nói.
Cạnh đó, ông Nguyễn Sỹ Kế (64 tuổi) nuôi tôm công nghệ cao và đã triển khai thu hoạch trước bão. Tuy nhiên, điều ông lo lắng là nếu bão lớn, vỡ đầm thì tài sản khoảng 3 tỷ đồng gồm nhiều bể nuôi tôm, thiết bị, công nghệ, máy móc sẽ bị ảnh hưởng.
"Bão đến, vợ con đi sơ tán, tôi ở lại trông coi. Nhưng nếu bão quá lớn vượt ngưỡng cấp 12, tôi cũng bỏ chạy. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong "ông trời" thương", ông Kế bày tỏ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, tỉnh này hiện có 19.200ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 14.000ha, diện tích nuôi nước lợ 4.200 ha, diện tích nuôi nước mặn 1.000ha và hơn 5.700 lồng bè tại khu vực ven biển, sông, hồ.
Từ ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra mưa, dông, lốc đã gây thiệt hại khoảng 0,44ha nuôi trồng của người dân.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 Wipha, Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu các bộ phận liên quan triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.
Trong đó, cơ quan này hướng dẫn cần đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao, bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhiều, độ mặn ổn định đối với nuôi ven biển.
Trường hợp không di chuyển được lồng bè, người dân cần che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Đồng thời, người dân cần chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống khi có tình huống xấu xảy ra.