Nhảy đến nội dung

'Vợ chồng tôi U60 mê sống du mục, ba lần phượt xuyên Việt'

"Tôi năm nay đã U60 những cũng ham xê dịch. Hai vợ chồng tôi tính đến nay đã cùng nhau đi xuyên Việt ba lần, qua hết 63 tỉnh thành của đất nước chỉ với xe 'cỏ' hạng B. Chúng tôi ăn ngủ tự do, tùy điều kiện của từng vùng miền mà mình dừng chân. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ những người chọn lối sống du mục, tự do, thoải mái, thay vì bó buộc bản thân.

Ở Việt Nam, chúng ta đã quá quen với tập quán sinh hoạt của bao đời nay là phải 'an cư' rồi mới 'lạc nghiệp'. Nhưng xã hội ngày càng phát triển và đất nước dần hòa nhập cùng thế giới trong thời đại công nghệ số, sẽ dần hình thành lối sống du mục. Hiện nay, tôi đã thấy manh nha các hội nhóm phượt tự phát, như một minh chứng cho xu hướng sống du mục của người trẻ Việt".

Đó là chia sẻ của độc giả Kiên Pt sau bài viết "Gia đình gốc Việt bán hết nhà cửa để sống đời du mục". Từ nhiều năm nay, "du mục số" đã và đang trở thành xu hướng mới của giới trẻ Việt Nam và thế giới nhằm tạo cho mình một cuộc sống không nhất thiết phải theo chuẩn truyền thống. Cùng với sự thay đổi của cách mạng kỹ thuật số, ước mơ của người trẻ dần hiện thực hóa, họ vẫn có thể vừa đi chơi vừa kiếm tiền, bỏ lại sau lưng bốn bức tường văn phòng.

Ủng hộ lối sống du mục, bạn đọc Khachus chỉ ra những điểm tích cực: "Tôi tin thế hệ sau này sẽ có nhiều người chọn lối sống du mục tự do, khai phá, phiêu lưu... Người ngoài nhìn vào có thể lắc đầu vì chẳng thấy tương lai ở đâu cả? Tuy nhiên, với việc phát triển của công nghệ, mạng xã hội, AI, lối sống du mục chính là xu thế.

Cứ hình dung bản thân vừa có thể đi du lịch cùng gia đình, vừa có thể làm việc từ xa, con cái cũng được học tập online và trải nghiệm cuộc sống... thử hỏi ai mà không thích? Mỗi người đều chỉ có 24 giờ một ngày như nhau, với nhiều người, họ chấp nhận dành tám tiếng để đi làm, bảy tiếng cho việc ngủ, hai tiếng cho bạn bè, hai tiếng cho việc ăn uống... Và như vậy họ còn rất ít thời gian cho bản thân và những người thân thiết. Thế nên, nhiều người chọn sống du mục là có lý do của họ".

>> 'Trẻ gap year chữa lành tốt hơn già đổ tiền chữa bệnh'

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để có cuộc sống du mục, độc giả Trung U Tran đặt câu hỏi: "Tôi chỉ có thắc mắc với những người chọn sống du mục là họ sẽ cho con cái học các kỹ năng giao tiếp cộng đồng ở đâu? Hầu hết những đứa trẻ sống kiểu này (Van-life kids) đều trải qua cảm giác stress, bức bối, trầm cảm vì: không phải do bản thân chúng lựa chọn; không có không gian riêng tư; không bạn bè, không ai dạy kỹ năng giao tiếp... Đây là vấn đề không hề dễ để giải quyết".

Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Lamtan đưa ra cảnh báo với những người có ý định sống du mục: "Cái gì cũng vậy, ít ai trong cuộc tự nhìn ra được những góc khuất. Cái gì mới cũng đều háo hức, những khi nó lặp lại quá nhiều cũng sẽ dần trở nên bình thường. Chẳng hạn bạn đi làm suốt thì mong có ngày nghỉ, làm tăng ca suốt lại mong có được ngày làm việc bình thường. Nhưng khi bạn nghỉ ở nhà lâu rồi cũng thành chán, hay ăn món ngon mỗi ngày cũng thấy chẳng còn gì đặc biệt.

Thực tế, có không ít những câu chuyện về những người tự chủ tài chính ở tuổi 35, 40 hay về hưu sớm từ tuổi trung niên. Nhưng sau một thời gian nghỉ ngơi, họ lại thấy chán và tìm cách quay lại với cuộc sống thường nhật bận rộn ở văn phòng. Tóm lại, tôi không chê trách ai khi họ chọn cuộc sống du mục, nhưng các bạn hãy lường trước những khó khăn, vấn đề phát sinh trước khi dấn thân để không bị sốc và hối hận vì quyết định của mình".

Lê Phạm tổng hợp

 
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn