'Vợ chồng thu nhập dưới 30 triệu sợ vay tiền mua nhà xã hội'

"Thứ nhất, 'một người đủ điều kiện mua NOXH', ngoài việc chứng minh mình là người 'đủ điều kiện', còn phải có khả năng trả gốc và lãi cho gói vay. Tôi đã từng vay gói 30 nghìn tỷ mua nhà trước đây, nên tôi rất rõ vấn đề này. Nếu thu nhập thấp thì ngân hàng không giải ngân.
Thứ hai, nếu được 'suất' mua NOXH, thường thì ngân hàng hợp tác với chủ đầu tư để giải ngân (mua giá sơ cấp) nên không có chuyện đội giá. Giá sơ cấp đã cao rồi, trừ khi nhà nước giới hạn trần giá bán NOXH.
Tuy nhiên điều này là không khả thi, vì nhiều chủ đầu tư còn không muốn tham gia vào xây dựng NOXH do lợi nhuận thấp (phải cân đối chi phí và chất lượng, giá bán)".
Độc giả nickname VIP phân tích như trên, chỉ ra lý do dù lãi vay gói 120.000 tỷ đồng giảm hơn 2% sau hai năm triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp.
Cụ thể, độc giả Kien Nguyen Ngoc nói: "Để chạm vào gói vay này, thu nhập của cả gia đình không được quá 30 triệu đồng một tháng. Nếu ở tỉnh, thu nhập 30 triệu đồng một tháng thì người ta xây luôn nhà chứ không đi vay để mua chung cư đâu. Còn ở thành phố, 30 triệu cho cả gia đình 3-4 người thật sự là câu hỏi khó".
Một trong những lý giải về tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp đó là: Lãi suất gói vay ưu đãi được đánh giá vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Độc giả nickname huytuyen2486 nêu: "Lãi hơn 6% chút cũng ổn, nhưng còn vướng ba vấn đề lớn:
1. Đối tượng đủ điều kiện vay quá ít, khó.
2. Thời hạn cho lãi suất 6% quá ngắn, ít nhất cũng phải cố định từ 5 đến 10 năm.
3. Đạt hai điều kiện trên thì còn cái khó nhất: Không có nhà dự án để mua".
Một số độc giả cho rằng nên cho thuê nhà ở xã hội.
Độc giả Hoàng Xuân đặt vấn đề: "Cho thuê nhà ở xã hội đi được không? Người ở không phải đi vay, số tiền trả tiền nhà hàng tháng có khi còn rẻ hơn tiền lãi ngân hàng, lại giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Sau này họ có tiền thì mua".
Độc giả NKH đồng tình: "Chính xác nên là vậy. Ban đầu thu nhập thấp thì thuê, sau này thu nhập khá hơn thì mua căn nhà khác, để lại căn đó cho người thu nhập thấp khác thuê.
Như vậy nguồn lực bỏ ra cho NOXH cũng được tiết kiệm hơn. Chứ xây NOXH rồi bán đứt cho ông A, thì sau này sẽ phải xây tiếp căn khác để bán cho ông B?".
Độc giả Bùi Duy Thái nêu: "Tôi có vài ý kiến về hiện trạng nhà ở xã hội như sau:
- Quan điểm đầu tư xây dựng từ các doanh nghiệp với hỗ trợ vốn vay từ nhà nước: Đã là doanh nghiệp họ phải tính lợi nhuận. Đã tính lợi nhuận thì một dự án nhà ở xã hội so sánh với một dự án nhà ở thương mại rõ ràng người ta sẽ không mặn mà. Tốt nhất đơn vị triển khai nên là nhà nước, hoặc một đơn vị độc lập, phi lợi nhuận do nhà nước quản lý.
- Quan điểm an sinh xã hội và quản lý tài nguyên đất: Đất cấp cho nhà ở xã hội nên tính 0 đồng, chỉ tính chi phí thuê, thuế đất hàng năm có cộng thêm chi phí giải phóng mặt bằng.
- Nguồn quỹ phát triển nên huy động từ quỹ bảo hiểm xã hội: Ví dụ căn giá một tỷ. Một người lao động đóng bảo hiểm 10 năm sẽ có nguồn tiền đảm bảo.
Người lao động sẽ cần chi trả một khoản tương ứng với phần giá trị còn lại và các khoản phí, lãi nhất định. Điều này đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đồng thời phúc lợi cho những người lao động lâu năm.
- Nhà ở xã hội nên xây 5 tầng căn hộ, tầng trệt để xe, kiot dịch vụ. Nhà quá cao tạo gánh nặng lên bảo trì và thang máy, hệ thống phòng cháy. Đồng thời cũng giảm tải áp lực cho hạ tầng giao thông, điện nước khu vực có dự án.
- Quỹ bảo trì trích từ giá trị cho thuê các mặt bằng ở tầng thấp.
- Nhà ở xã hội nên là sản phẩm hạn chế chuyển nhượng để tránh đầu cơ, thổi giá".
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết 145.000 tỷ đồng mà 9 ngân hàng đăng ký cho vay nhà ở xã hội, sẽ không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thời gian thực hiện chính sách tối đa đến 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng nghiêm túc các cam kết về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay. Các ngân hàng cần phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay. Điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong, ngoài khu công nghiệp (tính theo bảng tiền công, lương do nơi làm việc xác nhận): - Cá nhân: Không quá 15 triệu đồng/tháng. - Vợ chồng: Không quá 30 triệu đồng/tháng. Xem đầy đủ tại đây. |
Hữu Nghị tổng hợp