Nhảy đến nội dung
 

Vợ chồng lần lượt mắc ung thư phổi khiến bác sĩ bàng hoàng: "Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra trong nhà này?"

Ung thư không phải là hết xem chi tiết

Mới đây, trang Sohu đưa tin, một câu chuyện gây chấn động y giới tại Trung Quốc: Một cặp vợ chồng lần lượt mắc ung thư phổi, khiến bác sĩ không khỏi đặt câu hỏi: "Gia đình này rốt cuộc đã trải qua điều gì?".

Theo thông tin từ bệnh viện, người vợ, một phụ nữ khoảng 60 tuổi, phát hiện khối u phổi kích thước 3cm khi đi chụp X-quang trong một lần khám sức khỏe tổng quát. Bà cho biết đã vô cùng bàng hoàng. Chồng bà đã qua đời vài năm trước vì ung thư phổi giai đoạn cuối, khi được phát hiện thì dịch phổi đã đầy, chỉ còn sống được một thời gian rất ngắn.

Nguyên nhân gây ung thư phổi của 2 vợ chồng: Người chồng nghiện thuốc lá nặng, thường xuyên hút trong nhà

Sau khi tìm hiểu, bác sĩ phát hiện nguyên nhân chính gây nên bi kịch này là do người chồng trước đó là người hút thuốc lá rất nặng, thường xuyên hút ngay trong nhà. Điều này khiến cả gia đình tiếp xúc với khói thuốc thụ động, dẫn đến nguy cơ mắc ung thư phổi rất cao.

Theo Healthline, trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất hóa học, ít nhất 70 chất đã được chứng minh gây ung thư (carcinogens) như: Benzene, formaldehyde, arsenic, cadmium… Các chất này khi xâm nhập vào phổi sẽ phá hủy tế bào, biến đổi ADN, dẫn đến sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư.

Hút thuốc khiến niêm mạc phổi bị kích ứng và viêm mãn tính, cản trở quá trình tự phục hồi, gây đột biến gen trong tế bào phổi. Việc hút nhiều điếu mỗi ngày trong nhiều năm khiến phổi bị "ngâm" trong chất độc liên tục, làm tăng nguy cơ ung thư cao hơn nhiều lần so với người không hút.

Người không hút nhưng hít phải khói thuốc cũng tiếp nhận gần như đầy đủ các chất gây ung thư. Đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ, trẻ em, người già sống chung với người hút thuốc.

Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân dễ tổn thương nhất của khói thuốc

Các nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng, phụ nữ dễ bị tổn thương bởi khói thuốc hơn nam giới. Cùng một mức độ tiếp xúc với khói thuốc, nguy cơ ung thư và các triệu chứng về hô hấp như hen suyễn ở nữ giới cao hơn đáng kể. Trường hợp này càng đáng lo ngại hơn khi con trai của bệnh nhân, người đi cùng trong buổi khám, cũng bắt đầu có dấu hiệu ho kéo dài, nghi là hệ quả từ việc tiếp xúc với khói thuốc từ khi còn nhỏ.

Các chuyên gia cảnh báo: "Một người hút thuốc trong nhà, cả gia đình cùng chịu hậu quả!". Trẻ em sống trong môi trường có người hút thuốc từ nhỏ sẽ có nguy cơ cao mắc hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí tổn thương phổi kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Cách phòng ngừa ung thư phổi hiệu quả trong đời sống hàng ngày

Để bảo vệ lá phổi khỏe mạnh, bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần đặc biệt lưu tâm đến các yếu tố gây ô nhiễm không khí trong nhà, nơi ta dành phần lớn thời gian sinh hoạt. Những yếu tố nguy hại bao gồm:

- Khói thuốc lá: Bao gồm khói thuốc chủ động (hút trực tiếp), khói thuốc thụ động (người xung quanh hít phải) và khói thuốc lưu cữu (ám vào rèm, sofa, đồ vật).

- Khói bếp, dầu mỡ chiên xào: Là nguyên nhân thường bị bỏ qua nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới phổi.

- Hóa chất từ sơn tường, nội thất mới, keo dán… trong quá trình sửa chữa, xây dựng nhà ở cũng góp phần gây ô nhiễm không khí trong nhà.

- Ngoài ra, giữ tinh thần tích cực, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn cũng là cách quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan đến đường hô hấp.