Vợ chồng Hà Nội cải tạo nhà cũ 40 năm thành nơi thờ tự, dạy con nhớ về cội nguồn

Từ căn nhà cấp 4 cũ, dột, dùng làm kho suốt 10 năm nay ở ngoại ô Hà Nội, vợ chồng chị Mai “hô biến” thành không gian thờ phụng gia tiên mang đậm nét xưa, dạy các con về lòng biết ơn và hướng về nguồn cội.
6 năm trước, vợ chồng chị Phương Mai và anh Thanh Sơn (38 tuổi) cùng các con chính thức “bỏ phố về quê”, dừng chân trên mảnh đất của bố mẹ anh Sơn tại xã Đoài Phương (trước là xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây), cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40km.
Mảnh đất rộng 3.500m2, bao gồm nhà ở (khoảng 100m2) được xây sẵn từ trước và vườn cây bao quanh.
Phía sau nhà, nơi gia đình nhỏ sinh sống là căn nhà cũ của ông bà nội để lại, được xây dựng từ năm 1985. Nơi đây chứa đựng những ký ức tuổi thơ, theo anh Sơn lớn lên qua bao năm tháng.
“Khi gia đình mình chuyển về quê, mọi người bảo sao không bỏ căn nhà cũ này đi vì công trình đã xuống cấp. Nhưng chồng mình tiếc, không muốn bỏ, chờ có điều kiện sẽ tu sửa lại vì đây là nơi gắn bó với anh suốt tuổi thơ”, chị Mai kể.
Vợ chồng Hà Nội cải tạo nhà 40 tuổi thành nơi thờ tự, dạy con nhớ về cội nguồn
Họ ấp ủ ý định sửa lại căn nhà này từ 2 năm trước nhưng chưa thực hiện được vì vấn đề tài chính.
Năm nay, cặp đôi quyết tâm cải tạo nhà để chuyển ban thờ gia tiên từ tầng 3 của ngôi nhà đang ở xuống đây, đảm bảo thuận tiện cho việc thờ cúng, nhất là mỗi khi làm đám giỗ hay bê mâm cỗ.
Chị Mai cho biết, căn nhà mà ông bà nội để lại được sử dụng làm kho suốt 10 năm nay. Hiện trạng công trình đã xuống cấp, thường xuyên bị dột.
Tường vôi bở, nứt, còn phần rui mè (hay còn gọi là xà gồ - thành phần quan trọng trong kết cấu của một ngôi nhà gỗ) bị hỏng gần như hoàn toàn, có thể sập bất cứ lúc nào.
“Khi bắt tay vào cải tạo, vợ chồng mình phải tháo dỡ mái, giữ lại phần cột kèo chính không bị hư hỏng, có khắc hoa văn và số năm xây nhà rồi tự tay hàn lại khung mái bằng sắt cho chắc chắn, sau đó lợp ngói mới.
Tường cũng được đục hết phần vôi cũ, giữ lại gạch tổ ong và trát tường mới dày dặn hơn”, chị nói thêm.
Quá trình cải tạo chia làm 2 giai đoạn. Tháng 2/2025, họ thi công trong 10 ngày rồi tạm dừng, đến đầu tháng 5 thì tiếp tục tu sửa và hoàn thiện sau 20 ngày.
Tổng thời gian cải tạo nhà là 1 tháng.
Với kinh nghiệm 10 năm làm kiến trúc sư nhà ở dân dụng, anh Sơn tự lên ý tưởng và thiết kế cho ngôi nhà.
Anh cũng cố gắng tính toán làm sao cho kết cấu nhà vừa đảm bảo chắc chắn, an toàn và bền nhất có thể, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư.
Vì muốn giữ lại nét xưa của nếp nhà nên vợ chồng anh cũng giữ nguyên phần nền nhà, gạch lát nền từ năm 1985. Loại gạch này vừa mát, lại không bị trơn trượt như các mẫu gạch mới hiện nay, song rất khó mua vì ít nơi có.
Căn nhà mới được cải tạo trên nền nhà cũ nên vẫn giữ nguyên độ rộng ban đầu, diện tích khoảng 55m2.
Trong đó, gian thờ gia tiên rộng chừng 35m2, còn 1 gian nhỏ bên cạnh dành làm nơi tiếp khách ghé thăm.
Trong nhà, vợ chồng chị Mai anh Sơn bài trí nội thất theo phong cách đơn giản nhưng ấm cúng.
Vật liệu được sử dụng chủ yếu là gỗ trong vườn nhà và gỗ tái chế với tông màu nâu mộc mạc, giản dị.
Ngoài ban thờ bằng gỗ, anh Sơn còn tự đóng bàn ghế, tận dụng từ ván giường cũ và gỗ trong vườn. Tủ bát cũng được sáng tạo bằng cánh tủ quần áo cũ.
“Những cây ổi trong vườn đã chết khô từ vài năm trước nhưng dáng đẹp, gỗ tốt, để lâu không bị mục hay mối mọt được vợ chồng mình giữ lại, sơn sửa và lắp bóng đèn, làm đồ trang trí trong nhà.
Ngoài ra, trên tường còn treo tranh Đông Hồ mà nhà mình mua trong 1 chuyến đi chơi ở Bắc Ninh và tranh tự vẽ, tạo điểm nhấn cho không gian”, chị Mai chia sẻ.
Người phụ nữ 34 tuổi cũng bày tỏ, căn nhà được cải tạo làm nơi thờ phụng không chỉ gắn liền với tuổi thơ của chồng chị mà giờ đây còn trở thành nơi lưu giữ ký ức thơ ấu cho các con.
Qua việc tu sửa và thờ cúng gia tiên mỗi ngày tại nếp nhà xưa, vợ chồng chị đang dạy dỗ các con về lòng biết ơn, luôn hướng về nguồn cội và cả những điều đã cũ.
Căn nhà mới nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị truyền thống cũng là nơi gia đình đa thế hệ của họ sum họp mỗi dịp giỗ chạp, để con cháu trong nhà tưởng nhớ tới ông bà đã khuất.
Ảnh, video: Phương Mai