VNR tiếp tục được giao xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt

Thủ tướng giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt. Xây dựng ngành công nghiệp đường sắt phát huy tối đa năng lực của doanh nghiệp trong nước, không kể nhà nước hay tư nhân.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tiến độ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giao một thứ trưởng phụ trách chỉ đạo triển khai Nghị quyết 106 của Chính phủ về thực hiện chủ trương đầu tư dự án.
Với việc xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt, theo Thủ tướng, đây là trách nhiệm của quốc gia, trên tinh thần phát huy tối đa năng lực của doanh nghiệp của Việt Nam, không kể là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.
VNR được giao tiếp tục triển khai các nhiệm vụ.
Trước đó, tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt cuối tháng 4.2025, VNR được giao chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Liên quan dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, VinSpeed (công ty con của Tập đoàn Vingroup đã đề xuất được triển khai dự án. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Công ty VinSpeed và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo đề xuất của VinSpeed (công ty con của Tập đoàn Vingroup), công ty này sẽ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Về dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu khởi công vào ngày 19.12, đồng thời tại 5 điểm. Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành chấp thuận hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng trong tháng 5.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến độ đàm phán, bảo đảm đủ điều kiện để ký kết càng sớm càng tốt, chậm nhất là trong tháng 8.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc chuyển giao công nghệ là bắt buộc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với phía Trung Quốc về phương án chuyển giao công nghệ; hoàn thành trước 20.6.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó xác định rõ nhu cầu, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực (kỹ sư, công nhân, tiến sĩ…), hoàn thành trong tháng 6.