VinSpeed muốn làm đường sắt hơn 60 tỷ USD chỉ trong 5 năm theo mô hình rất mới ở Việt Nam, đó là gì?

VinSpeed đề xuất dự kiến phối hợp cùng các đơn vị phát triển các khu đô thị hiện đại quanh nhà ga đường sắt tốc độ cao theo mô hình TOD.
Ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cho biết đã đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Doanh nghiệp kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12/2025 và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030.
Dự án do VinSpeed đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, doanh nghiệp cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD); phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Để hoàn trả phần vốn vay từ Nhà nước, VinSpeed dự kiến phối hợp cùng Vingroup và Vinhomes phát triển các khu đô thị hiện đại quanh nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Các khu vực phụ cận nhà ga hiện thưa dân và xa trung tâm sẽ được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy hạ tầng, cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.
Mô hình TOD đem lại những lợi ích gì?
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, việc xây dựng mô hình TOD được coi là chìa khóa hữu hiệu giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị.
Trong một cuộc hội thảo hồi năm ngoái, Giáo sư Vũ Minh Khương, Học viện hành chính công Lý Quang Diệu, Singapore đã phân tích về tính cấp bách chiến lược trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM.
Về các lợi ích thiết yếu từ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD, theo Giáo sư Vũ Minh Khương, đường sắt đô thị tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế quy mô, đa dạng, và sức mạnh cộng hưởng; Tăng hiệu quả và tính tinh gọn trong phát triển đô thị (giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động; Giảm rõ rệt chi phí đầu tư hạ tầng (đặc biệt đường xá, cấp điện-nước-viễn thông; tăng nhu cầu, hiệu quả, và nguồn thu cho vận tải công cộng);
Báo Tuổi trẻ thủ đô nêu tính toán của một chuyên gia cho thấy, với mức tiêu thụ trung bình 0,12 kWh/hành khách/km, đường sắt đô thị tiết kiệm năng lượng trên mỗi hành khách gấp hơn 7 lần so với việc di chuyển bằng ô tô trong thành phố. Nguồn năng lượng chủ yếu cho đường sắt là điện, có thể tiêu thụ một phần nhiên liệu sinh học dưới dạng dầu diesel sinh học. Do đó, giảm được lượng khí thải ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên đường sắt Hà Nội phân tích: "Theo tính toán của chúng tôi, nếu 1 triệu hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì 1 ngày chúng ta tiết kiệm được 394.000 giờ tham gia giao thông. Nếu 50% số này được đưa vào sản xuất dịch vụ thì chúng ta có thể tạo ra năng suất lao động xã hội là gần 30 tỷ đồng và giảm được khoảng 100 tấn khí thải độc hại".
TOD là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (Clip minh hoạ do AI tạo ra).
Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc phát triển mô hình TOD ra sao?
Theo thống kê trong một phóng sự của Đài truyền hình Hà Nội, hiện nay, mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD – Transit Oriented Development) đang được triển khai hiệu quả tại nhiều đô thị lớn trên toàn cầu.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia phát triển sớm và thành công mô hình TOD dựa trên đường sắt đô thị. Nước này có mạng lưới đường sắt đô thị bao phủ toàn quốc, từ thành thị tới nông thôn. Vùng thủ đô Tokyo của Nhật Bản với khoảng 38 triệu dân có một mạng lưới gần 900 nhà ga và vận chuyển tới hơn 40 triệu lượt khách mỗi ngày trên 120 tuyến đường sắt trong vùng.
Singapore có hệ thống giao thông cộng cộng lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới, trong đó hệ thống đường sắt đô thị ra đời sớm thứ hai ở Đông Nam Á. Hiện tại, hệ thống MRT Singapore đang có 84 ga đang hoạt động, toàn hệ thống đường sắt đô thị dài 130km, mỗi ngày vận chuyển hai triệu lượt khách, đảm đương vai trò xương sống của hệ thống giao thông công cộng của nước này.
Tại Tokyo và Singapore, TOD giúp tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng lên tới 60 - 70%.
Còn tại Trung Quốc, hệ thống đường sắt đô thị phục vụ khu vực thủ đô Bắc Kinh hiện có tổng cộng 27 tuyến hoạt động, trong đó tàu điện ngầm, tàu đệm từ tốc độ trung bình và thấp, xe điện hiện đại, tạo thành hệ thống đường sắt đô thị bao phủ 12 quận nội thành ở Bắc Kinh và thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Tổng chiều dài đường sắt tại Bắc Kinh là 836 km với 490 nhà ga.
Việc quy hoạch đường sắt đô thị Bắc Kinh tận dụng toàn diện không gian dưới lòng đất, trên mặt đất và trên cao, giúp tạo ra các vòng giao thông hiệu quả và thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhà ga và đô thị.