Vĩnh Phúc phát động phong trào 'Bình dân học vụ số'

Tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời huy động, tập trung đa dạng nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Chiều 9/5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ phát động Phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Bình dân học vụ số”.
Lễ phát động được kết nối trực tuyến từ điểm cầu trung tâm đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã và một số doanh nghiệp, tiểu thương và người dân.
Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Vĩnh Phúc đang từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời huy động, tập trung nguồn lực từ Trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và chương trình quan trọng, gồm Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong chuyển đổi số, Chỉ thị số 36-CT/TU về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi để thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ nhiệm vụ mà là niềm tin, trách nhiệm với tương lai dân tộc.
Ông Phong đã nhắc lại bài học lịch sử, dân tộc từng có một phong trào mang tính cách mạng đó là "Phong trào bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào ngày 8/9/1945, ngay sau ngày đất nước giành được độc lập.
Lúc ấy, 95% dân số nước ta còn mù chữ nhưng Người đã nhìn thấy rằng: "Độc lập sẽ không vững nếu nhân dân không có tri thức" và Người đã khẳng định một chân lý đơn giản mà sâu sắc: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Từ tinh thần ấy, cả nước đứng lên học chữ.
Theo ông Phong, hơn 80 năm trôi qua, tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng đối tượng cần "xóa mù" giờ không phải là chữ viết mà là công nghệ, dữ liệu, kỹ năng số. Phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Bình dân học vụ số" như một bước tiếp nối tinh thần “Bình dân học vụ” năm xưa, nhưng trên một mặt trận mới - mặt trận công nghệ số, đổi mới sáng tạo và công dân kỹ thuật số.
Đổi mới sáng tạo không chỉ là khẩu hiệu mà là hành động và bản lĩnh để vượt qua mọi giới hạn. Phong trào thi đua Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số và Bình dân học vụ số không chỉ dành cho cán bộ, công chức mà là của toàn dân.
Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiên phong đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, tiểu thương chủ động ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Thanh niên, học sinh, sinh viên nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, học tập suốt đời và sẵn sàng hội nhập.
Đặc biệt, mỗi người dân cùng học hỏi, chia sẻ, lan tỏa tinh thần “xóa mù công nghệ” để chuyển đổi số trở thành năng lực phổ thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.