Vietnam Airlines lấy đâu gần 93.000 tỷ mua 50 máy bay?

TPO - Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và Ngân hàng Vietcombank vừa ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thu xếp vốn cho dự án mua 50 máy bay thân hẹp, tổng mức đầu tư gần 93.000 tỷ đồng.
Theo biên bản ghi nhớ, Vietcombank tham gia thu xếp vốn cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp của Vietnam Airlines, bao gồm các khoản trả trước và vốn vay dài hạn từ năm 2026 - 2032. Đồng thời, Vietcombank sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Vietnam Airlines để xây dựng cấu trúc tài chính tối ưu, đảm bảo hiệu quả dài hạn cho dự án đầu tư quy mô lớn này.
Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines bắt tay với Vietcombank trong việc mua máy bay. Trước đó, hãng bay quốc gia từng hợp tác với Vietcombank tại thương vụ mua mới đội máy thân rộng Airbus A350, Boeing 787 và mở rộng đội máy thân hẹp Airbus A321.
![]() |
Vietnam Airlines và Vietcombank vừa ký biên bản ghi nhớ, về việc hợp tác thu xếp vốn cho dự án mua 50 máy bay thân hẹp. Ảnh: VNA. |
Vietnam Airlines cho biết, khoản đầu tư 50 máy bay lần này hướng tới việc mở rộng mạng bay tầm ngắn và trung bình tại các thị trường trọng điểm như Đông Nam Á, Đông Bắc Á và nội địa - nơi nhu cầu vận chuyển tăng nhanh và cạnh tranh ngày càng cao; góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn của hãng.
Liên quan đến dự án mua 50 máy bay thân hẹp dòng Airbus 320 Neo hay Boeing 737 MAX và 10 động cơ dự phòng với tổng mức đầu tư gần 93.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Vietnam Airlines để hướng dẫn về trình tự, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Theo Bộ Tài chính, Vietnam Airlines cần phải báo cáo Thủ tướng trước để xem xét cho ý kiến. Khi dự án được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương thì Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và Vietnam Airlines mới thực hiện được thủ tục triển khai dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cần chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước.
Theo kế hoạch, 50 máy bay thân hẹp sẽ được Vietnam Airlines khai thác thị trường nội địa, các đường bay quốc tế có dung lượng thấp và tập trung chủ yếu vào mạng bay dưới 5 giờ bay.
Vietnam Airlines dự kiến thực hiện bán và thuê lại 25 máy bay đầu tiên nhận trong giai đoạn 2028 - 2030, sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu kết hợp vay mua với tỷ lệ vay 50% giá mua máy bay đối với 25 máy bay còn lại nhận trong giai đoạn 2030 - 2031 nhằm giảm đáng kể áp lực về dòng tiền. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 máy bay, máy bay thân hẹp là 95 chiếc và 5 máy bay ATR. Đến năm 2035, hãng này dự kiến cần 52 máy bay thân rộng và 112 máy bay thân hẹp.
![]() |
Vietnam Airlines đã có kế hoạch bổ sung đội máy bay thân hẹp từ cách đây vài năm để phục vụ nhu cầu vận chuyển trong tương lai và thay thế những máy bay đã cũ. Ảnh: VNA. |
Hãng hàng không quốc gia hiện khai thác gần 100 đường bay, kết nối 22 điểm nội địa và 30 điểm đến quốc tế tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hãng sở hữu đội máy bay gồm 102 máy bay hiện đại với các dòng thân rộng thế hệ mới như Boeing 787, Airbus A350, cùng đội bay thân hẹp Airbus A321, A320neo - cho phép khai thác linh hoạt cả đường bay nội địa và khu vực và quốc tế.
Năm nay, Vietnam Airlines sẽ mở mới và khôi phục 15 đường bay quốc tế đến các quốc gia như Nga, Ý, Đan Mạch, Trung Đông, Trung Quốc… với mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt khách và doanh thu hợp nhất dự kiến đạt hơn 119.000 tỷ đồng.
Hôm 31/3, Vietnam Airlines công bố kết quả kinh doanh sau kiểm toán năm 2024, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của hãng.
Cụ thể, tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines trong năm 2024 đạt gần 113.750 tỷ đồng, trong đó doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ đạt gần 85.430 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục với gần 7.960 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.775 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc phục hồi ấn tượng của thị trường hàng không quốc tế; đàm phán thành công với đối tác xóa nợ khoảng 4.710 tỷ đồng cho Pacific Airlines theo thỏa thuận trả tàu; tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ, cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước…
Trong năm 2024, sản lượng vận chuyển của Vietnam Airlines tăng trưởng mạnh với 22,7 triệu lượt hành khách (tăng 8% so với cùng kỳ) và 314.700 tấn hàng hóa (tăng 40% so với cùng kỳ). Hệ số sử dụng ghế đạt 80,6%.