Vietnam Airlines lãi đậm

TPO - Trong quý I vừa qua, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước đạt hơn 31.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.620 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt hơn 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 3.044 tỷ đồng.
Bùng nổ lượng khách quốc tế đến Việt Nam
Trong 3 tháng đầu năm nay, lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt, tăng hơn 13% so với cùng kỳ; lượng khách nội địa đạt hơn 9 triệu lượt, tăng gần 4%. Trong đó, cả nước đã đón hơn 6 triệu lượt du khách quốc tế, xác lập mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch.
Bám sát đà phục hồi mạnh mẽ, Vietnam Airlines Group ước vận chuyển khoảng 6,2 triệu lượt hành khách, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước; riêng Vietnam Airlines vận chuyển hơn 6 triệu lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Trong ba tháng đầu năm nay lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam bùng nổ, đạt gần 12 triệu lượt. Ảnh: Lộc Liên. |
Các khu vực thị trường quốc tế đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Trong đó, thị trường khách Ấn Độ tăng mạnh nhất với gần 27%; Trung Đông tăng gần 26%; Đông Bắc Á tăng gần 14% nhờ sự phục hồi của Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong.
Chất lượng khách quốc tế cũng cải thiện rõ nét, đặc biệt tại các thị trường doanh thu cao như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đối tượng khách doanh thu cao từ Nhật Bản đã phục hồi đạt gần 90% so với cùng kỳ 2019, thay vì 60% như cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Vietnam Airlines liên tiếp khai trương và khôi phục nhiều đường bay trọng điểm như Hà Nội - Bengaluru, chuẩn bị mở thêm đường bay Hà Nội - Hyderabad, và nối lại các đường bay Đông Bắc Á.
Giá nhiên liệu máy bay giảm
Trong quý đầu tiên của năm, Vietnam Airlines hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu bình quân duy trì ở mức khoảng 91 USD/thùng, thấp hơn gần 5% so với bình quân năm trước và thấp hơn nhiều so với dự báo, qua đó cải thiện hiệu quả chi phí.
Bên cạnh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng ghi nhận kết quả tích cực, với doanh thu ba tháng đầu năm vượt kế hoạch, đạt hơn 220 tỷ đồng.
Giữa bối cảnh Pratt & Whitney triệu hồi động cơ, Vietnam Airlines đã điều chỉnh lịch bay, tối ưu slot khai thác. Nhờ đó hiệu suất khai thác máy bay tăng gần 10% so với cùng kỳ. Đồng thời, Vietnam Airlines tối ưu hóa nguồn lực trong giai đoạn cao điểm quốc tế; thuê bổ sung ba máy bay dịp Tết, đóng góp trực tiếp hơn 37 tỷ đồng vào hiệu quả kinh doanh.
Đặc biệt, trong quý này, Vietnam Airlines đã ký biên bản ghi nhớ trị giá 560 triệu USD với Citibank; ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietcombank liên quan đến việc mua 50 máy bay Boeing 737 MAX.
![]() |
Trong quý đầu tiên của năm, Vietnam Airlines hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu giảm. Ảnh: VNA. |
Song song đó, trong quý này Vietnam Airlines tiên phong khai thác tại nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam áp dụng giải pháp sinh trắc học kết hợp định danh điện tử (VNeID).
Năm ngoái, tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines đạt gần 113.750 tỷ đồng, trong đó doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ đạt gần 85.430 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục với gần 7.960 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.775 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận vừa nêu chủ yếu đến từ việc phục hồi ấn tượng của thị trường hàng không quốc tế; đàm phán thành công với đối tác xóa nợ khoảng 4.710 tỷ đồng cho Pacific Airlines theo thỏa thuận trả tàu; tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ, cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong năm ngoái, sản lượng vận chuyển của Vietnam Airlines tăng trưởng mạnh với 22,7 triệu lượt hành khách, tăng 8% so với cùng kỳ; 314.700 tấn hàng hóa, tăng 40% so với cùng kỳ. Hệ số sử dụng ghế đạt 80,6%.
Liên quan đến dự án mua 50 máy bay Boeing 737 Max của Vietnam Airlines, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa đồng ý chủ trương mua máy bay không cấp bảo lãnh Chính phủ và giao Vietnam Airlines chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của pháp luật.