Nhảy đến nội dung
 

Vietjet mở bán vé bay Côn Đảo

Máy bay C909 của COMAC tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VJ.

Website của hãng hàng không Vietjet Air mới đây đã cập nhật đường bay TP.HCM/Hà Nội đến Côn Đảo từ ngày 19/4.

Giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Côn Đảo hiện ở mức 3,4-4 triệu đồng, còn giá chặng TP.HCM - Côn Đảo ở mức 1,7-2,3 triệu đồng. Trong khi đó, Vietnam Airlines hiện khai thác đường bay này với mức giá 3,5-4,2 triệu đồng.

Đáng chú ý, vé một số chuyến bay đã "cháy hàng" trong ngày đầu mở bán ở cả các hạng ghế phổ thông lẫn thương gia.

C909,  may bay,  chuyen bay anh 1

Vé máy bay chặng TP.HCM - Côn Đảo "cháy hàng" trong ngày đầu mở bán.

Trước đó, dữ liệu từ Flightradar24 cho thấy lúc 17h02 ngày 12/4, một chiếc C909 đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Chiếc máy bay xuất phát từ sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô và do Chengdu Airlines vận hành.

Trên trang cá nhân, ông Đinh Việt Phương, CEO Vietjet cũng đăng tải hình ảnh chiếc C909 tại sân bay Nội Bài với màu sắc, logo của Vietjet và gọi đây là "dấu mốc mới" của hãng.

C909 là dòng máy bay thương mại nội địa đầu tiên do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) phát triển.

Chiếc máy bay này đã chính thức được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2016, với chuyến bay đầu tiên do Chengdu Airlines thực hiện.

Hiện, đã có hơn 160 chiếc C909 được bàn giao và sử dụng bởi 11 hãng hàng không nội địa Trung Quốc cùng với 2 hãng hàng không quốc tế là TransNusa của Indonesia và Lao Airlines của Lào.

Trước đó, từ tháng 12/2024, Vietjet đã báo Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) về việc ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay COMAC ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines để khai thác đường bay đến Côn Đảo.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (trước khi sáp nhập với Bộ Xây dựng), từ ngày 15/1 đến 24/1, Cục Hàng không Việt Nam đã cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với COMAC và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc tại Thượng Hải.

Cục Hàng không cho rằng việc xem xét công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không Việt Nam trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay. Việc này cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành hàng không trong nước.

Để có thể đưa máy bay COMAC vào khai thác, cơ quan này đã đề xuất Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2016 và Thông tư số 01/2011, theo hướng công nhận các tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay của Trung Quốc, làm cơ sở cho nhập khẩu tàu bay vào Việt Nam.

Trưa 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Hà Đông Phong, Chủ tịch COMAC đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả thời gian qua giữa Tập đoàn COMAC và Vietjet cũng như khả năng mở rộng hợp tác giữa COMAC và các hãng hàng không, các đối tác khác của Việt Nam trong tương lai.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn COMAC hợp tác, hỗ trợ các đối tác Việt Nam phát triển đội tàu bay, mở rộng các đường bay; tiến tới sản xuất các linh kiện, chế tạo máy bay, phát triển hệ sinh thái ngành hàng không, kinh tế hàng không, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác không gian vũ trụ của Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị cùng với hợp tác thuê, mua máy bay, COMAC có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam đầu tư các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Việt Nam.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.