Nhảy đến nội dung

Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân

Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế - xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân.

Quốc hội sáng nay (15/5) thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết điện hạt nhân được coi là điện xanh và điện nền.

Theo xu hướng chung của quốc tế, điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 10-30% tổng nguồn cung cấp năng lượng quốc gia. Đây cũng là chiến lược của các nước nhằm hướng tới mục tiêu tự chủ năng lượng, trung hòa carbon và tái định vị công nghệ quốc gia.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế - xã hội; dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu và ứng dụng bức xạ; phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn.

Trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa giai đoạn đầu tiên, Việt Nam ưu tiên năng lực chế tạo, trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn, và sau đó là tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân.

Đối với xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật cho phép sử dụng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh như áp dụng chỉ định thầu; sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán và các khoản chi cho thẩm định và đào tạo.

Dự thảo luật cũng thiết kế thành một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy; xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố, xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về an toàn hạt nhân, Bộ trưởng cho biết để bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế - nhất là tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử một đoàn đi tham vấn IAEA.

Về cơ bản, IAEA kết luận các quy định về an toàn bức xạ, an toàn an ninh và thanh sát hạt nhân của dự thảo luật đã bảo đảm các nguyên tắc của IAEA.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có kế hoạch quản lý an toàn hạt nhân từ chọn vị trí, báo cáo tiền khả thi các dự án, nhập khẩu thanh nhiên liệu, xử lý thanh nhiên liệu hết hạn, và sau cùng là việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân. Các giai đoạn đều có thẩm định về bức xạ hạt nhân, đủ điều kiện để tiến hành xây dựng và áp dụng điều kiện cần thiết.

Nhà nước sẽ có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích dân sinh; thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để thực hiện xã hội hóa các ứng dụng một cách phù hợp...

Nhà nước cũng sẽ có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; có chính sách ưu đãi trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng, nguyên tử.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn