Nhảy đến nội dung

Việt Nam thành điều lo sợ của du lịch Thái Lan

Viet Nam anh 1

Từng là điểm đến hàng đầu, Thái Lan giờ đây không còn giữ được lợi thế tuyệt đối trên bản đồ du lịch Đông Nam Á. Du khách ngày càng đòi hỏi trải nghiệm tốt với chi phí hợp lý hơn, các điểm đến cạnh tranh như Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ khiến Thái Lan phải dè chừng.

Cùng lúc đó, hàng loạt vấn đề nội tại như giá cả leo thang, hạ tầng xuống cấp hay nạn buôn người, lừa đảo nổi cộm khiến xứ Chùa Vàng dần mất điểm với du khách quốc tế.

Dè chừng Việt Nam

Giới điều hành và hoạch định chính sách du lịch Thái Lan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng để Việt Nam vượt mặt trong cuộc đua hút khách quốc tế tại khu vực, theo Bangkok Post.

Ông Thanet Supornsahasrungsi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Chon Buri, nhận định nếu giữ nguyên tốc độ hiện tại, chỉ trong vòng 2-3 năm tới, Việt Nam có thể đón lượng khách quốc tế cao hơn cả Thái Lan.

Thực tế đã phần nào cho thấy điều đó. Vào tháng 3/2024, Việt Nam ghi nhận hơn 2 triệu lượt khách quốc tế - tăng gần 50% so với trước đại dịch, trong khi Thái Lan chỉ đạt 2,7 triệu lượt, tức giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, Thái Lan đã buộc phải điều chỉnh kỳ vọng từ 38,5 triệu lượt xuống còn 36,5 triệu do tình hình du lịch phục hồi chậm hơn dự đoán.

Sự bứt phá của Việt Nam đến từ nhiều yếu tố. Theo ông Thanet, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam thấp hơn; các khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí mới mọc lên liên tục; giá cả hợp lý hơn, thậm chí nhiều gói nghỉ dưỡng giá chỉ bằng một nửa so với Thái Lan.

Viet Nam anh 2

Phú Quốc (Việt Nam) được ví như "thủ phủ khách ngoại" khi trở thành chốn ăn chơi, nghỉ dưỡng của tệp khách từ thị trường Đông Âu và Hàn Quốc. Ảnh: Tường Vi.

Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực hỗ trợ các công ty lữ hành quốc tế bằng chính sách trợ giá vé máy bay, phí hạ cánh thấp và hạ tầng sân bay hiện đại gần các điểm du lịch. Điều này khiến nhiều hãng lữ hành chuyển hướng từ Phuket sang các thành phố như Nha Trang trong mùa hè này.

Ông Thanet phân tích các sân bay lớn tại Việt Nam cách điểm du lịch chỉ 30-45 phút lái xe, trong khi du khách đến Hua Hin hay Kanchanaburi ở Thái Lan phải di chuyển hơn ba tiếng từ Bangkok.

"Chúng ta đang dựa vào những ưu điểm cũ mà không phát triển cơ sở hạ tầng và điểm tham quan mới để thu hút khách du lịch", ông nói.

Cùng quan điểm, ông Sanga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San Road, thừa nhận thị trường Bangkok có thể giảm khách do sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ Việt Nam. TP.HCM với phố đi bộ, khu phố đêm nhộn nhịp đang trở thành đối trọng thực sự với Khao San của Bangkok.

Nút thắt

Không chỉ chịu áp lực từ đối thủ, bản thân ngành du lịch Thái Lan cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Hậu Covid-19, nhiều du khách quốc tế tỏ ra thất vọng với trải nghiệm tại quốc gia từng được coi là “thiên đường du lịch” này.

Theo thảo luận lan truyền trên Bangkok Post Learing, nhiều người cho rằng Thái Lan đã không còn “đáng tiền” như trước. Những đặc sản du lịch như văn hóa bản địa, ẩm thực hấp dẫn và cảnh quan thiên nhiên nay không thể che lấp loạt bất cập: giá cả tăng cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp và môi trường không được kiểm soát.

Du khách phản ánh việc phải chi trả tiền thuê phòng gấp 2-3 lần so với 5 năm trước. Một bữa tối cơ bản tại khu du lịch có thể bị "chặt chém" lên đến 7.000 baht, mức giá tương đương các thủ đô phương Tây. Giá vé máy bay từ châu Âu và Mỹ cũng tăng vọt. Ngay cả người dân Thái Lan cũng bắt đầu thấy ngao ngán vì chi phí du lịch nội địa leo thang.

Viet Nam anh 3Viet Nam anh 4Viet Nam anh 5Viet Nam anh 6

Chỉ trong 5 ngày diễn ra Songkran 2025, liên tiếp các cụ tai nạn chết người, hét giá, móc túi và quấy rối khiến Thái Lan phải bố trí thêm nhiều lực lượng an ninh để kiểm soát tình hình. Ảnh: Reuters, @o.m.ghi, @aoumi_00.

Ngoài vấn đề chi phí, hàng loạt rào cản khác làm giảm chất lượng trải nghiệm: vỉa hè hư hỏng, bãi biển đầy rác, địa điểm du lịch quá tải, an ninh chưa đảm bảo, và đặc biệt là việc cần sa được sử dụng công khai không kiểm soát - điều khiến nhiều gia đình có con nhỏ e ngại quay lại.

Hệ thống thị thực của Thái Lan chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, và việc giảm thời gian lưu trú từ 60 xuống 30 ngày gần đây đi ngược lại mục tiêu khuyến khích du khách kéo dài thời gian lưu trú. Tệ hơn nữa là hệ thống định giá 2 tầng, trong đó người nước ngoài phải trả giá cao hơn người địa phương, tạo ra cảm giác phân biệt đối xử rõ rệt.

Trong khi Thái Lan còn đang loay hoay tìm cách hồi phục, các đối thủ như Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Philippines đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nhờ giá rẻ hơn, chính sách linh hoạt và hạ tầng du lịch được cải thiện.

Giới chức Thái thừa nhận rằng chỉ những cải cách quyết liệt mới có thể giúp đạt được mục tiêu 36,5 triệu khách quốc tế trong năm nay và 37,5 triệu vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục trông chờ vào sự hoài niệm của du khách với "vẻ đẹp xưa cũ", Thái Lan có thể sẽ dần đánh mất vị thế vốn có.

Khi trong mắt du khách toàn cầu, Thái Lan đang chuyển từ một điểm đến “phải đến” thành “để sau cũng được”, đây không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho ngành du lịch mà là cho cả quốc gia.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'