Việt Nam nên miễn visa cho khách nào?

Hội thảo "Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 24.4 nóng với nhiều đề xuất, kiến nghị về việc miễn visa đơn phương, visa đặc thù cũng như các giải pháp tạo thuận tiện cho thủ tục visa.
Kỷ nguyên mới đòi hỏi cách tiếp cận chính sách mới
Phát biểu đề dẫn, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đánh giá từ khi mở cửa sau đại dịch Covid-19 đến nay, các chính sách về visa, về du lịch đã được cải thiện khá nhiều, du lịch VN cũng đạt được những kết quả khả quan hơn. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2025, chúng ta đã thu hút hơn 6 triệu khách quốc tế tới VN, cao hơn năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra. Thế nhưng so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… thì chính sách visa của VN còn khiêm tốn và thận trọng.
"Quan trọng hơn, VN đang đứng trong một tình thế vô cùng thách thức giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, một bên là đối mặt với thuế đối ứng, có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành kinh tế chủ lực. Trong bối cảnh đó, sẽ phải có những ngành, những lĩnh vực cần bứt lên để chia lửa với xuất khẩu. Một trong số đó, theo chúng tôi chính là du lịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đến hết tháng 4, các bộ, ngành liên quan phải trình đề xuất, kiến nghị về việc miễn visa đơn phương, visa đặc thù cho các đối tượng khách đặc thù, các giải pháp tạo thuận tiện cho thủ tục visa… Tính từ khi công văn được ban hành cho tới thời hạn phải có Tờ trình trình Chính phủ là chỉ khoảng 3 tuần. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ về việc cải thiện chính sách visa hiện tại", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhận định.
Chỉ rõ sự khiêm tốn và thận trọng về chính sách visa của VN, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, dẫn chứng: VN hiện chỉ miễn thị thực cho 25 quốc gia, trong khi Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 và nâng số quốc gia được áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu từ 19 lên 31. Malaysia cũng miễn thị thực cho 158 quốc gia... Thời gian xử lý thủ tục xin thị thực điện tử (e-visa) của các nước cũng chỉ khoảng 1 - 2 ngày, có nước xử lý chỉ trong 14 tiếng, nhưng vào VN phải mất từ 3 - 5 ngày. Độ linh hoạt điều chỉnh chính sách của các nước cũng hơn VN, điển hình như Thái Lan, chỉ trong 90 ngày sau đại dịch, nước này đã có 15 lần thay đổi chính sách visa.
Nhìn lại quá trình mở cửa của ngành du lịch sau đại dịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ tiếc nuối khi VN đã đánh mất thời cơ vàng đưa du lịch tiến kịp và vượt các nước trong khu vực ASEAN, nguyên nhân chính là do chính sách mở cửa visa quá chậm. Trong bối cảnh hiện nay khi VN tiến vào kỷ nguyên mới, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 đạt 8% và trên 10% trong giai đoạn tiếp theo, dịch vụ được xác định đóng góp 8 - 8,5% và du lịch đóng góp 3,4 - 3,6% năm 2025. Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng để trở thành động lực kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của đất nước. Mặt khác, Đảng và Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của kinh tế VN trong những năm tới. Trong đó, du lịch là ngành có tỷ trọng đóng góp kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân lớn nhất - trên 90%. Như vậy, du lịch phải được xác định là ngành trọng điểm cần tập trung phát triển.
"Nếu Chính phủ coi du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì visa là chìa khóa đầu tiên cần mở để đón khách vào. VN đang tiến vào kỷ nguyên mới, chính sách visa không thể bị chậm thêm một lần nữa", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm cần có cách tiếp cận mới đối với chính sách visa, TS Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, dẫn lời của Tổng Bí thư Tô Lâm nói về tốc độ phát triển kinh tế của VN. Trong thời gian qua, kinh tế VN có sự phát triển mạnh so với quá khứ nhưng nếu so với thế giới, thực tế thu nhập bình quân đầu người của người VN mới đạt 5.000 USD, trong khi mục tiêu để trở thành nước phát triển thì thu nhập bình quân đầu người cần đạt tới con số 20.000 USD. Đây là con số khá lớn và chặng đường dài phải nỗ lực để trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đối chiếu với ngành du lịch, ông Lương Hoài Nam lấy mốc đại dịch Covid-19 để thấy rằng: Nếu so với Thái Lan trước đó, chúng ta chỉ bằng 1/2 họ thì đến nay cũng vẫn chưa kéo gần được khoảng cách. Thái Lan trong năm 2024 đón 35 triệu lượt khách, còn VN đón 17,5 triệu lượt, bằng 1/2. Ngay cả một nước có dân số ít hơn VN rất nhiều là Malaysia cũng đạt tới 25 triệu lượt khách. Trung bình một người dân Malaysia tiếp 1 khách quốc tế, còn 5 người Việt mới tiếp 1 khách quốc tế.
"VN không thiếu bất cứ thứ gì để tăng trưởng lượng khách du lịch. Quan trọng là có cơ chế để khai thác triệt để các tiềm năng hiện có, trong đó nút thắt hàng đầu là visa. Nếu vẫn để tồn tại xung đột quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước cho rằng đã rất thoáng rồi, còn DN bảo khắt khe, hẹp, khó phát triển... thì chính sách visa không thể điều chỉnh. VN cần thay đổi cách tiếp cận visa từ công cụ quản lý, bổ sung thêm một vế là công cụ cạnh tranh điểm đến du lịch quốc tế", ông Lương Hoài Nam nêu quan điểm.
Linh hoạt mở visa cho nhiều đối tượng
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Marketing Vinpearl (Tập đoàn Vingroup), đề xuất ưu tiên miễn visa cho các nhóm thị trường chiến lược đang có tiềm năng, dư địa tăng trưởng thực sự. Có thể quy hoạch một số nhóm chính, đó là nhóm thị trường có lượng khách chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài và hành vi du lịch đang thay đổi nhanh chóng như Úc và New Zealand. Kế đến là nhóm thị trường với xu hướng khách yêu thiên nhiên, văn hóa bản địa, có xu hướng đi nghỉ dài ngày và không ngại chi trả cho các trải nghiệm cao cấp; điển hình là các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch; cũng như nhóm các thị trường mới nổi có đặc điểm du khách thích nghỉ dài ngày, sẵn sàng chi tiêu, tìm kiếm các điểm đến nắng ấm để tránh mùa đông, như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Azerbaijan và Mông Cổ. VN với hệ sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo phong phú hoàn toàn có thể cạnh tranh nếu chính sách visa đủ linh hoạt.
Đồng thời, nhóm thị trường có nhiều tour du lịch dài ngày, đặc biệt vào mùa đông, nổi bật là các nước Đông Âu như Slovakia, Slovenia, Hungary, Bulgaria và CH Czech. Bà Nguyễn Thu Thủy nhận xét: "Nếu có chính sách visa ưu đãi phù hợp, nhóm thị trường này sẽ là nguồn khách dồi dào cho phân khúc nghỉ dưỡng mùa thấp điểm". Cuối cùng, là những thị trường đặc biệt tiềm năng đến từ các quốc gia vùng Vịnh như UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út. Mặc dù số lượng khách chưa nhiều, nhưng đây là nhóm có khả năng chi tiêu rất cao và yêu cầu tiêu chuẩn dịch vụ cực kỳ cao cấp.
Không "đòi hỏi" VN phải lập tức miễn visa cho hàng trăm quốc gia, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), cho rằng quan trọng hơn số lượng là thu hút phân khúc khách giá trị cao, những người có mức chi tiêu lớn, thời gian lưu trú dài và tỷ lệ quay lại cao. Ngoài những thị trường tiềm năng, chi tiêu cao mà bà Nguyễn Thu Thủy nêu trên, đại diện Vietnam Airlines gợi ý Chính phủ có thể thí điểm miễn visa ngắn hạn trong 12 tháng cho các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Ấn Độ; kéo dài thời hạn miễn visa tới 90 ngày cho khách châu Âu, Bắc Mỹ, Úc; cấp visa dài hạn tới 24 tháng cho nhà đầu tư và chuyên gia.
Việc thực hiện e-visa cũng cần đơn giản hóa, giảm thời gian xử lý xuống dưới 24 giờ. Hãng hàng không quốc gia mong muốn phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong việc phát động khách quốc tế đến VN thông qua các giải pháp như: Thành lập nhóm công tác giữa các cơ quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ VH-TT-DL, Bộ Xây dựng và Vietnam Airlines để đồng bộ hóa chính sách visa với kế hoạch phát triển mạng đường bay, thị trường. Nhóm này sẽ định kỳ đánh giá hiệu quả của các chính sách visa và đề xuất điều chỉnh.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia du lịch hàng đầu luôn áp dụng chính sách visa linh hoạt cùng chiến lược mở rộng mạng bay. Tại Thái Lan, Nhật Bản hay UAE, việc miễn hay giảm visa luôn đi đôi với mở rộng đường bay, tăng tần suất chuyến và hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. Vì thế, ông kiến nghị tăng ngân sách cho chiến dịch quảng bá du lịch quốc tế, trong đó Vietnam Airlines đóng vai trò trung tâm trong việc giới thiệu chính sách visa và các điểm đến VN trên các chuyến bay, tại sân bay và tại các sự kiện quốc tế (như ITB Berlin, WTM London…).
Đơn giản hóa thủ tục, kéo dài thời gian lưu trú
Không chỉ mở đối tượng khách được miễn thị thực, các doanh nghiệp (DN) cho rằng cải thiện thủ tục và kéo dài thời gian miễn thị thực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Dẫn khảo sát từ "thiên đường nghỉ dưỡng" Phú Quốc (Kiên Giang), bà Đồng Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, cho biết: Cuối năm 2023 chỉ có khoảng 8 chuyến bay quốc tế/ngày đến Phú Quốc, nhưng cao điểm vào đầu năm nay có đến 40 chuyến bay quốc tế/ngày và sắp tới có thể tăng cao hơn nữa. Đặc biệt, du khách có nhu cầu lưu trú dài hạn rất nhiều. Có những du khách lưu lại Phú Quốc đến 2 - 3 tháng và phải tự xoay xở xuất cảnh tạm thời sang nước láng giềng, sau đó quay trở lại để gia hạn thị thực. "Vậy chúng ta có nên kéo dài visa lên 90 ngày hay dài hơn để không làm khó cho du khách hay không?", bà Đồng Ngọc Ánh đặt vấn đề.
Cũng theo lãnh đạo Sun Group, trước thực tế phát triển hiện nay tại Phú Quốc, cần phải có chính sách dành riêng cho điểm đến này để tạo điều kiện cho khách ở lại lâu hơn. Cụ thể, có thể thí điểm cấp visa tại cửa khẩu cho những đoàn khách lớn, khách giàu, khách ở những thị trường mục tiêu, khách hưu trí hay các nhà đầu tư du lịch, đầu tư công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao mà không có rủi ro về môi trường hay an ninh nội địa. Bên cạnh đó, nên có chính sách để cấp visa ngay tại cửa khẩu cho du khách, tạo thủ tục nhanh gọn ở sân bay như tạo ra các luồng xanh.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc SaigonTourist Group, cũng đề xuất với hình thức có visa dài hạn, cần kéo dài thời gian từ 5 - 10 năm, có khả năng gia hạn dài hơn so với mức 1 - 2 năm như hiện nay; đặc biệt với các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên của VN như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, tài chính, y tế, giáo dục; người làm việc từ xa, người giàu có toàn cầu, người về hưu giàu có... kèm với một số quyền lợi về làm việc, mua sắm, đầu tư như mua nhà.
Kế tiếp, thị thực đầu tư nên dành cho nhà đầu tư dài hạn với thời hạn 10 năm kèm một số điều kiện khác như là nhà đầu tư, giám đốc điều hành, doanh nhân tạo công ăn việc làm tại địa phương..., có đầu tư tối thiểu 10 triệu USD vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng xanh, công nghệ cao, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp... Quyền lợi là miễn thuế thu nhập cá nhân từ nguồn thu nhập nước ngoài trong 3 năm đầu. Nhóm visa nhân tài thời hạn có thể kéo dài 5 năm, có thu nhập hằng năm từ 80.000 USD trở lên, quy trình đơn giản hơn...
"Như chỉ đạo của Chính phủ, đối với ngành du lịch, cần mở rộng chính sách thị thực có chọn lọc. Đặc biệt với chuyên gia, giới siêu giàu, tỉ phú... Du lịch đi trước, đầu tư đi sau. Trên cơ sở đã mở rộng, xem xét miễn thị thực, nên tiếp tục thí điểm mở rộng thông thoáng hơn. Đơn cử, 3 quốc gia Chính phủ đang thí điểm miễn thị thực là Ba Lan, CH Czech và Thụy Sĩ. Hiện nay về thủ tục, du khách từ 3 quốc gia này cần có công văn xác nhận đã đăng ký với công ty du lịch VN, có đi du lịch mới được miễn thị thực. Nên đơn giản hóa thủ tục này, không cần công văn xác nhận của công ty du lịch. Chính sách miễn, giảm, đơn giản hóa thủ tục thuế, phí visa có tính chất liên ngành. Chính phủ cần nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo về du lịch với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan. Các bộ cần tập trung đề xuất Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa vấn đề thuế, phí với các du khách những quốc gia cần thiết", ông Võ Anh Tài phát biểu.