'Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế số phát triển rất nhanh'

TPO - Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của đổi mới sáng tạo, nơi dòng vốn tư nhân không còn là nguồn lực bổ trợ, mà trở thành động lực trung tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Đó là thông điệp nổi bật tại Diễn đàn đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC 2025), tổ chức ngày 22/4, tại Hà Nội.
Diễn đàn năm nay quy tụ hơn 1.000 đại biểu, trong đó có hơn 200 đại biểu là các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu và Vùng vịnh. VIPC 2025 không chỉ duy trì vai trò kết nối, mà đã nâng tầm thành nơi thiết lập chính sách, khơi thông cơ chế và thể hiện cam kết chiến lược của Chính phủ trong việc đồng hành cùng cộng đồng đầu tư đổi mới sáng tạo.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo diễn đàn. |
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò và vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới: “Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế số phát triển rất nhanh, đạt quy mô khoảng 30 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030”.
Theo ông Dũng, không chỉ phát triển nhanh, Việt Nam còn đang trở thành tâm điểm trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vị trí địa chính trị thuận lợi, lực lượng lao động trẻ và chính sách mở cửa chủ động, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung, Intel... đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng từ cam kết đến hành động là một chặng đường dài, đòi hỏi thể chế phải linh hoạt, bộ máy phải đồng hành và cộng đồng đầu tư doanh nghiệp phải thực sự kết nối.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiềm năng là có, cơ hội là rõ ràng. Vấn đề là phải hành động nhanh chóng, quyết liệt để biến cam kết thành giá trị thực, biến tiềm năng thành hiệu quả kinh tế.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Tâm - Thứ trưởng Bộ Tài chính - phát biểu tại diễn đàn. |
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tâm - Thứ trưởng Bộ Tài chính - khẳng định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng để hiện thực hoá điều đó, Việt Nam buộc phải giải bài toán lớn là huy động hiệu quả nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Việt Nam đang đứng ở thời điểm quyết định cho sự chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững. Đây là cơ hội, nhưng cũng là áp lực rất lớn về cải cách thể chế để không bị bỏ lại phía sau.
Tại diễn đàn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân (VPCA) ký kết loạt biên bản ghi nhớ song phương với ba hiệp hội đầu tư mạo hiểm hàng đầu châu Á gồm: Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc; Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm tư nhân Singapore; Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc).
![]() |
Trung tâm NIC và Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân (VPCA) ký kết loạt biên bản ghi nhớ song phương với ba hiệp hội đầu tư mạo hiểm hàng đầu châu Á. |
Đây là lần đầu tiên các đầu mối gọi vốn tư nhân trọng yếu của châu Á chính thức liên kết, hướng tới xây dựng một khối đầu tư khu vực thống nhất, có mục tiêu chung và hành động phối hợp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ cao.
Ba tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản lên tới 5.000 tỷ USD, là những "trục xoay" chiến lược của dòng vốn mạo hiểm tại châu Á. Việc bắt tay giữa họ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam được đánh giá là "cú hích lớn" đưa Việt Nam tiến gần hơn đến chuỗi giá trị đầu tư công nghệ toàn cầu.