Việt Nam công bố ngày mở ký Công ước Hà Nội về chống tội phạm mạng

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 19/5 dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự kỳ họp thứ 34 Ủy ban Ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (CCPCJ34) tại thủ đô Vienna của Áo, theo Bộ Ngoại giao.
Điểm nhấn tại kỳ họp năm nay là sự quan tâm của quốc tế với sự kiện Liên Hợp Quốc (LHQ) đồng thuận thông qua Công ước về chống tội phạm mạng (Công ước Hà Nội), văn kiện đầu tiên của LHQ về phòng chống tội phạm sau hơn 20 năm, thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc tế mới với những công cụ thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm mạng.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã thông báo về nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tư pháp hình sự, tăng cường hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, trong đó có sáng kiến Việt Nam đăng cai Lễ mở ký Công ước Hà Nội, là minh chứng cho cam kết của Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã công bố thời điểm tổ chức lễ mở ký Công ước tại Hà Nội là ngày 25-26/10. Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres dự kiến đồng chủ trì sự kiện này.
Thông qua các kênh đối ngoại cao nhất, Việt Nam đang chuyển thư của Chủ tịch nước mời tất cả nguyên thủ quốc gia thành viên LHQ đến Hà Nội tham dự lễ mở ký.
Lễ mở ký là một bước trong quy trình pháp lý liên quan đến ban hành và thực thi công ước quốc tế. Đây là giai đoạn khi văn bản công ước được công bố và các quốc gia được mời ký kết nhằm thể hiện ý định tham gia vào công ước đó trong tương lai. Sau lễ mở ký, các thành viên tham gia "Công ước Hà Nội" có thể tiếp tục ký tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, cho đến ngày 31/12/2026.
Đây là lần đầu tiên một địa danh Việt Nam được gắn với điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến lĩnh vực được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và quan hệ đối tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Công ước thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế đối với chủ nghĩa đa phương, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hợp tác quốc tế để giải quyết hiệu quả vấn đề tội phạm mạng - mối đe dọa đối với phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng khẳng định lễ mở ký Công ước Hà Nội không chỉ là sự kiện ký kết đơn thuần, mà còn truyền đi thông điệp về hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng, kêu gọi các nước tham dự hội nghị, ký kết và sớm phê chuẩn để Công ước có hiệu lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm mạng.
Công ước Hà Nội gồm 9 chương, 71 điều, là kết quả của gần 5 năm thương lượng liên tục và kéo dài giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.
Tội phạm mạng gia tăng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Cũng trong chuyến làm việc tại Văn phòng LHQ ở Vienna, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cũng như một số đề xuất hỗ trợ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý, tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nhân lực giúp Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ hạt nhân và triển khai thành công dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân ở tiêu chuẩn cao nhất.
Ngọc Ánh