Việt Nam có 1 loại lá chống rụng tóc, kích thích mọc tóc con rất tốt: Tận dụng có thể trị được nhiều căn bệnh quen thuộc hiệu quả

Trong khi nhiều người tìm đến các loại thuốc đắt tiền hay điều trị bằng công nghệ, thì ngay tại Việt Nam, có một loại cỏ dại mọc ven đường, dễ tìm, nhưng lại được xem là "tiên dược" cho mái tóc.
Rụng tóc là nỗi lo không của riêng ai. Từ người trẻ đến người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau sinh hay người gặp căng thẳng kéo dài, đều có thể đối mặt với tình trạng tóc rụng nhiều, thưa mỏng, mất tự tin.
Trong khi nhiều người tìm đến các loại thuốc đắt tiền hay điều trị bằng công nghệ, thì ngay tại Việt Nam, có một loại cỏ dại mọc ven đường, dễ tìm, nhưng lại được xem là "tiên dược" cho mái tóc, đó là cỏ mần trầu .
Cỏ mần trầu có tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn, thuộc họ Lúa (Poaceae). Đông y gọi loại cỏ này là "cỏ vườn trầu", vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát. Từ lâu, dân gian đã sử dụng mần trầu như một loại thuốc nam chữa nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến tóc và da đầu.
Theo các chuyên gia, cỏ mần trầu đặc biệt có tác dụng tích cực đối với tóc: giúp giảm rụng, làm chắc khỏe chân tóc và kích thích mọc tóc hiệu quả. Ngày nay, nhiều sản phẩm dầu gội, dầu xả hoặc thực phẩm chức năng cũng đã chiết xuất thành phần từ loại cỏ dân dã này.
Vì sao cỏ mần trầu giúp chống rụng tóc?
Hai hoạt chất nổi bật nhất trong cỏ mần trầu chính là:
1. Beta-sitosterol: Hoạt chất này có khả năng ức chế DHT, một loại hormone nội sinh gây teo nang tóc, khiến tóc dễ rụng và chậm mọc. DHT là nguyên nhân chính gây hói đầu ở nam giới và rụng tóc lan tỏa ở nữ. Khi Beta-sitosterol ức chế DHT, tóc có điều kiện phát triển khỏe mạnh trở lại.
2. Palmitoyl: Đây là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp tiêu diệt các gốc tự do, tác nhân khiến tóc yếu, dễ gãy. Ngoài ra, Palmitoyl còn giúp bảo vệ tóc trước tác động xấu từ môi trường, căng thẳng hoặc thay đổi nội tiết.
Không chỉ tốt cho tóc, cỏ mần trầu còn là vị thuốc quý
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), cỏ mần trầu không chỉ giúp làm đẹp tóc mà còn có nhiều công dụng chữa bệnh đáng quý. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian sử dụng cỏ mần trầu:
1. Chữa cao huyết áp: Cỏ mần trầu cả rễ, giã nát cùng 500g cần tây. Hòa với nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường. Chia làm 2 lần uống sáng và tối.
2. Trị ho lao, sốt về chiều, mệt mỏi, tiểu ít: Dùng 40g cỏ mần trầu, sắc với 200ml nước, uống trong ngày.
3. Phụ nữ mang thai bị nóng trong, táo bón, nôn mửa, động thai: Dùng 12–16g mần trầu khô, sắc với 300ml nước, chia 2–3 lần uống trong ngày.
4. Trẻ em bị rôm sảy, sốt cao, ban đỏ, tưa lưỡi: Dùng 120g cỏ mần trầu tươi giã nát lấy nước uống. Hoặc dùng 20g khô sắc với 400ml nước, chia 2 lần/ngày.
5. Chữa nóng trong, tiểu gắt, da nổi mẩn: Dùng 40g mần trầu, có thể thêm 20g rễ cỏ tranh sắc chung uống mỗi ngày.
6. Chữa đái dầm ở trẻ nhỏ: Kết hợp 20g mần trầu, 20g mùi tàu, 20g rau ngổ, 10g cỏ sữa lá nhỏ, thái nhỏ sắc uống sau bữa chiều.
7. Hạ sốt cao, co giật: Dùng 120g mần trầu, sắc với 600ml nước còn 400ml, thêm chút muối, uống nhiều lần trong 12 giờ.
8. Thanh nhiệt, giải độc cơ thể: Dùng kết hợp cỏ mần trầu, cỏ tranh, rau má, cỏ mực, cam thảo đất, ké đầu ngựa, gừng tươi, củ sả, vỏ quýt (mỗi vị 8g, riêng gừng 2g, sả và vỏ quýt 4g), sắc uống hằng ngày.
9. Chữa viêm da, vàng da: Dùng 60g mần trầu tươi và 30g rễ cây Tổ kén đực, sắc lấy nước uống.
Lưu ý khi dùng cỏ mần trầu
Khi dùng cỏ mần trầu làm thuốc, bạn nên chọn cây xanh, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật như thuốc sâu, thuốc diệt cỏ… để tránh bị nhiễm độc.
Trước khi sử dụng bài thuốc về cỏ mần trầu cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ.