Nhảy đến nội dung

Viện phí, học phí có 'gánh' thêm thuế thu nhập doanh nghiệp?

Đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn khi đang chủ trương miễn học phí, viện phí nhưng lại thu thuế thu nhập doanh nghiệp với trường học, bệnh viện công.

Sáng 12.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), các đơn vị y tế, giáo dục công lập tự chủ vẫn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là "không phù hợp, trong khi những đơn vị tư thục được miễn thuế".

Lý do, ông cho rằng, với các đơn vị bệnh viện, trường học, việc nộp thuế được tính trên doanh thu (2%), nên nếu thu thuế sẽ làm cho giá dịch vụ y tế, học phí tăng và người bệnh, học sinh phải chi trả thêm.

Đại biểu đề nghị các hoạt động của đơn vị y tế, giáo dục công lập cần đưa vào đối tượng không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ các đơn vị liên doanh liên kết.

Tranh luận với quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Vân Chi cho rằng, theo cơ chế hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế với khoản kinh doanh thêm, như liên doanh, liên kết bên ngoài với mức thu 2%. Quy định không hề thu thuế với khoản như viện phí, học phí của các cơ sở bệnh viện, trường học công lập đang tự chủ.

Nhìn nhận ý kiến của đại biểu Vân Chi là đúng, nhưng theo ông Cường, các đơn vị như trường học, bệnh viện sử dụng ngân sách thì không thu thuế, song đơn vị tự chủ, không dùng ngân sách vẫn là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế tất cả học phí của các trường công lập và viện phí ở bệnh viện công tự chủ đều đang thu 2% thuế, chứ không chỉ là phần thu từ hoạt động liên doanh, liên kết. Vì vậy, ông Cường đề nghị cần sửa lại quy định cho phù hợp thực tiễn.

Bệnh viện, trường học hiện nộp thuế thu nhập không phải bằng cách lấy thu từ chi mà tính trên 2% doanh thu. "Điều này có nghĩa là nếu thu thuế đối với đơn vị này thì đương nhiên trong giá dịch vụ về y tế và học phí giáo dục sẽ được tính luôn 2% dành nộp thuế. Học phí và giá dịch vụ y tế sẽ tăng lên 2% và người bệnh sẽ phải là người chịu việc này, học sinh, người học sẽ phải chịu việc này. Trong khi chúng ta hiện nay đang chủ trương miễn học phí và tiến tới miễn cả viện phí", ông Cường phân tích.

Không tạo ra lợi nhuận sẽ được ưu đãi, miễn thuế

Chia sẻ thêm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, thực tế cơ quan thuế hiện nay chỉ căn cứ vào chữ "dịch vụ", nên cứ có chữ "dịch vụ" sẽ phải chịu thuế. Tuy nhiên, trong hệ thống y tế có khái niệm thu từ dịch vụ sự nghiệp công, đại đa số các nguồn thu của bệnh viện công tự chủ hiện nay đều bị đánh thuế.

Ông đề nghị bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá (chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý).

Lý do hiện nay dịch vụ khám chữa bệnh theo mức giá do Bộ Y tế và HĐND tỉnh quy định thuộc khoản "thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công", không phải dịch vụ "thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ".

Giải trình cuối phiên, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ dùng ngân sách hoặc một phần ngân sách. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập như y tế, giáo dục... tự quyết giá dịch vụ theo thị trường, thì khoản thu nhập này phải tính thuế là hợp lý.

"Còn với đơn vị sự nghiệp công dùng kinh phí Nhà nước, giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí, ngân sách hỗ trợ một phần trong cơ cấu giá, không phải hoạt động tạo ra lợi nhuận, nên có thể được hưởng ưu đãi, miễn thuế", ông Thắng nêu.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo quy định miễn thuế với đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cơ bản thiết yếu, dịch vụ công Nhà nước phải hỗ trợ để đảm bảo kinh phí hoạt động hoặc dịch vụ công tại địa bàn khó khăn. Đơn vị sự nghiệp công lập được giảm một nửa (50%) thuế thu nhập doanh nghiệp nếu cung ứng dịch vụ tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn.