Nhảy đến nội dung
 

Viện KSND tối cao đề xuất điều tra, truy tố ngay cả khi bị can bỏ trốn

Viện KSND tối cao đề xuất quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể kết luận điều tra, truy tố ngay cả khi bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự. Dự thảo do Viện KSND tối cao chủ trì soạn thảo, sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9.

Bỏ trốn vẫn bị điều tra, truy tố

Tại dự thảo, Viện KSND tối cao đề xuất bổ sung quy định về việc cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố và viện kiểm sát có thể quyết định truy tố khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can trong 2 trường hợp.

Một là, bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả. Hai là, bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra, hoặc phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.

Nói về đề xuất trên, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, thực tiễn có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn, nhưng bị can bỏ trốn, đã truy nã mà chưa có kết quả, hoặc bị can ở nước ngoài không thể triệu tập.

Cơ quan tiến hành tố tụng đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội và ra kết luận điều tra đề nghị truy tố, truy tố bị can nhưng vẫn phải quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án mà không thể xử lý vắng mặt.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết kịp thời vụ án, xử lý các bị can khác trong vụ án, đến việc thu hồi tài sản…

Vẫn theo lãnh đạo Viện KSND tối cao, bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã có quy định về xét xử vắng mặt, thế nhưng lại chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục này trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Để khắc phục, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định như đã nêu, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe các đối tượng phạm tội có ý định bỏ trốn.

3 lợi ích từ việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt

Thời gian qua, một số vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng kết luận điều tra, truy tố và đưa ra xét xử dù nhiều bị can, bị cáo vắng mặt. Điển như chuỗi vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hay mới đây nhất là vụ án liên quan đến "siêu doanh nghiệp" kinh doanh thiết bị y tế Công ty Thành An Hà Nội do Nguyễn Đăng Thuyết điều hành…

Từng tham gia tố tụng ở nhiều vụ án lớn, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, ủng hộ đề xuất của Viện KSND tối cao.

Theo luật sư, trốn truy nã tức là người bị buộc tội nhận thức được sai phạm của bản thân nhưng cố tình bỏ trốn, nhằm trốn tránh trách nhiệm. Việc bỏ trốn cũng đồng nghĩa với việc người bị buộc tội từ bỏ quyền tự bào chữa của mình.

"Nếu có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, việc ra bản kết luận điều tra, cáo trạng và xét xử là hợp lý. Không thể vì một cá nhân trốn tránh trách nhiệm mà gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án", luật sư nói.

Song, dù điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt nhưng quyền bào chữa của bị can, bị cáo vẫn cần được bảo đảm. 

"Trong vụ án AIC, dù bà Nhàn bỏ trốn nhưng vẫn có luật sư bào chữa tại tòa. Hay như vụ Thành An Hà Nội, ông Thuyết bỏ trốn sang Mỹ, có đơn gửi về Việt Nam, vẫn được tòa án xem xét…", luật sư Hùng lấy ví dụ.

Luật sư cũng cho rằng, việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt khi bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không thể triệu tập do đang ở nước ngoài mang lại ít nhất 3 lợi ích.

Một là giúp kịp thời giải quyết vụ án. Hai là đảm bảo sự răn đe, nghiêm minh của pháp luật, "có bỏ trốn cũng không thể thoát". Ba là nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, bởi lẽ chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật thì việc xử lý tài sản liên quan đến người bị buộc tội mới có căn cứ để thực hiện, nếu tạm đình chỉ thì "cứ treo mãi ở đó", gây thất thoát, lãng phí.

Có ảnh hưởng tính khách quan?

Cũng có ý kiến lo ngại việc bị can, bị cáo bỏ trốn đồng nghĩa không thể thu thập lời khai của bị can, bị cáo. Việc kết luận điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối với họ có đảm bảo khách quan?

Luật sư Hùng cho rằng, lời khai của bị can, bị cáo chỉ là một trong nhiều căn cứ được cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để xác định sự thật của vụ án. Ngoài ra còn có nhiều chứng cứ khác như: lời khai của bị can, bị cáo khác; lời khai của người liên quan; các tài liệu, vật chứng, dữ liệu điện tử… thu thập được.

Ông Hùng dẫn chứng các vụ án liên quan đến Công ty AIC, dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn và không có lời khai, nhưng căn cứ vào sao kê ngân hàng, cho nhận diện khuôn mặt, vẽ sơ đồ, hoặc lời thừa nhận của chính những quan chức nhận tiền từ bà Nhàn…, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn làm rõ được hành vi đưa và nhận hối lộ.

"Có vụ án bị can, bị cáo khai báo quanh co, chối tội, phải sử dụng nhiều chứng cứ khác để chứng minh hành vi phạm tội. Vì thế, việc không có lời khai của bị can, bị cáo sẽ không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án nếu các chứng cứ khác được thu thập đầy đủ, đúng quy định", luật sư nói.