Nhảy đến nội dung
 

Victor Vũ: 'Tôi chê thẳng khi vợ diễn tệ'

Sau một tuần công chiếu, hôm 3/5, tác phẩm đạt mốc 100 tỷ đồng. Dịp này, đạo diễn nói về dự án "tâm huyết bậc nhất sự nghiệp", lý giải những sạn trong phim.

- Nếu nói đây là phim anh lấy lại phong độ sau loạt tác phẩm ít tiếng vang, anh nghĩ sao?

- Đúng là so với nhiều phim gần đây của tôi, Thám tử Kiên tạo hiệu ứng tích cực hơn. Nửa năm qua, tôi dành toàn thời gian, "cắm đầu cắm cổ" cho dự án. Mọi công đoạn, từ kịch bản đến hậu kỳ, tôi đều nỗ lực gấp 10 lần phần trước - Người vợ cuối cùng. Do đó, khi phim ra mắt, tôi hồi hộp, không biết sản phẩm mình dồn toàn lực liệu có chinh phục được khán giả.

Hôm đầu công chiếu, nghe những tiếng vỗ tay, tôi thở phào, tự nhủ: "Mọi nỗ lực đã được đền bù xứng đáng". Con số doanh thu phần nào chứng minh tôi đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, điều tôi sung sướng nhất là được thỏa mãn đam mê. Các phim trước đây tôi làm đều có cổ trang, trinh thám, ly kỳ - tâm linh, nhưng kết hợp tất cả yếu tố đó vào một tác phẩm thì chưa từng.

- Vì sao anh chọn vợ - diễn viên Đinh Ngọc Diệp - đóng nữ chính?

- Thật ra ngoài Diệp, tôi có một số lựa chọn khác. Trước khâu thử vai, tôi nói với Diệp và Quốc Huy (đóng thám tử Kiên), rằng nếu cả hai diễn mà "chemistry" không đạt, buộc lòng tôi phải nghĩ đến phương án mới. Họ đều không còn là vai phụ như phim trước, mà đã thành tuyến chính, nên yêu cầu về các cảnh tâm lý rất cao.

Sau cùng, tôi chọn Diệp bởi nhân vật là một phần con người cô ấy: Vô tư, nghĩ gì nói đó. Sau khi phim ra rạp, nhiều người nói với tôi rất thích Hai Mẫn, tôi nghĩ đó là bởi sự tương đồng về tính cách của cả hai. Tuy nhiên, Hai Mẫn không phải dạng vai dễ đóng. Ngoài những cảnh gây cười, Diệp còn thể hiện nỗi đau mất mát người thân - điều cô ấy chưa từng trải qua.

- Anh góp ý về diễn xuất cho vợ ra sao?

- Sự thay đổi giữa các cảnh bi và hài trong phim cần được thể hiện tinh tế. Trước khi quay vài tháng, tôi phải đào tạo workshop cho Diệp và Quốc Huy, đồng thời đưa cô ấy sang học lớp của diễn viên Kathy Uyên.

Có những đoạn Diệp vẫn mắc lỗi, như lúc đóng chung với diễn viên nhí - vai Nga (cháu của Hai Mẫn). Khi đó, Diệp bị phân tâm do hai bé nhà chúng tôi ra trường quay thăm. Nhìn qua ánh mắt của cô ấy, tôi biết Diệp không tập trung, biểu cảm vẫn còn đậm chất "diễn". Tôi chê thẳng thừng, đại loại: "Em diễn còn giả và điệu quá". Những ai xem phim này rồi sẽ biết, có nhiều cảnh, tôi tập trung vào biểu cảm, ánh mắt của nhân vật, cắt hoàn toàn phần thoại. Sau khi nghe tôi chia sẻ, Diệp tĩnh tâm lại, buông những thứ đang chi phối trong đầu ra.

- Phim mắc một số "sạn", chẳng hạn phần thoại còn quá hiện đại, không hợp màu sắc cổ trang. Anh lý giải ra sao?

- Tất cả đều là sự cố tình của tôi và đội biên kịch. Tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ Người vợ cuối cùng. Sau bộ phim ấy, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là kết nối với người xem. Do đó, tôi quyết định không dùng quá nhiều cổ ngữ, vì biết tệp khán giả đông nhất của tôi là người trẻ. Một số cụm từ có thể hơi "trending", nhưng nghe vẫn có cảm giác thuần Việt. Chắc chắn điều này dễ gây tranh cãi, do đó tôi có nhờ tư vấn từ tác giả Hồng Thái của tiểu thuyết gốc Hồ oán hận.

- Anh nhìn nhận ra sao về cuộc đối đầu với "Lật mặt 8" của Lý Hải?

- Khi dời lịch chiếu sớm hơn nửa tháng để ra mắt vào dịp lễ, tôi không dám nói bản thân tự tin về chất lượng phim. Đây là quyết định của toàn êkíp, từ nhà sản xuất đến đơn vị phát hành. Dịp lễ năm nay là một sự kiện trọng đại, giống như mùa Tết thứ hai trong năm. Thị trường phim rạp nên là một bàn tiệc với nhiều lựa chọn cho khán giả.

Tôi ngưỡng mộ Lý Hải và Trấn Thành ở khả năng nắm bắt thị hiếu công chúng. Họ đều có cá tính, màu sắc riêng. Tôi nghĩ chỉ khi được là chính mình, mỗi đạo diễn mới làm tốt nhất công việc của họ.

- Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm từ Mỹ về nước làm phim, anh nghĩ gì?

- Một điều chưa bao giờ thay đổi ngần ấy năm là tôi không ngừng học hỏi. Tôi không dám tự nhận là giỏi, nhưng tôi chịu khó và cầu toàn. Suốt sự nghiệp, chưa có phim nào khiến tôi hài lòng 100%. Ngày trước, tôi cứ tiếc nuối rằng giá như có thêm thời gian để làm cái này, cái kia.

Sau này, tôi nhận ra, điều quan trọng nhất là biết đủ, biết buông. Thay vì tự làm khổ mình, tôi rút kinh nghiệm có những thứ không nên quá tốn sức, bởi chưa chắc khán giả đã nhận ra điều đó, và hãy tập trung vào những điều cốt lõi. Khi hậu kỳ Thám tử Kiên cũng vậy, tôi muốn "tỉa tót" cho mọi thứ nhịp nhàng, đường hoàng hơn. Nhưng cảm giác của khán giả - những người xem lần đầu - sẽ rất khác của tôi - người đã dựng phim vài trăm lần.

Victor Vũ, 50 tuổi, từng ghi dấu với các loạt phim Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal, Quả tim máu. Năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh - trở thành hiện tượng phòng vé, Victor Vũ đoạt giải Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam. Năm 2019, Mắt biếc - chuyển thể từ truyện dài cùng tên - đạt doanh thu 180 tỷ đồng, vào top 5 phim Việt ăn khách nhất thời điểm đó, đoạt giải Bông Sen Vàng 2021. Năm 2023, Người vợ cuối cùng - tác phẩm anh chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ oán hận (Hồng Thái) - đạt hơn 100 tỷ đồng.

Mai Nhật