Vị tướng nào của Quân đội Nhân dân Việt Nam có biệt danh 'cây gỗ mun'?

Ông là một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội cách mạng, nổi tiếng với tính kỷ luật, tinh thần chính trực và tác phong mẫu mực.
1. Vị tướng nào của Quân đội Nhân dân Việt Nam có biệt danh “cây gỗ mun”?
Theo Báo và Phát thanh, Truyền hình Nghệ An, Lê Thiết Hùng tên thật là Lê Văn Nghiêm, sinh năm 1906 trong một gia đình yêu nước tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông), tỉnh Nghệ An.
15 tuổi ông rời quê hương ra nước ngoài, tham gia hoạt động yêu nước.
Năm 1925, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, sau đó cử sang học tại Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc) và tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch theo phân công.
Biệt danh “cây gỗ mun” do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt, vừa nói đến nước da ngăm đen, vừa thể hiện sự trung kiên, vững chãi và bền bỉ của ông khi hoạt động trong lòng địch.
2. Ông là một trong những tướng lĩnh đầu tiên được phong quân hàm vào năm nào?
Theo báo Quân đội Nhân dân, năm 1946, đồng chí Lê Thiết Hùng được Chính phủ phong quân hàm Thiếu tướng. Ông là vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giấy chứng minh thư sĩ quan do Bộ Quốc phòng cấp đầu năm 1959 cũng ghi rõ: Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh Lê Thiết Hùng, cấp bậc Thiếu tướng từ năm 1946.
3. Ông từng là tư lệnh đầu tiên của đơn vị nào sau đây?
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, sau kháng chiến chống Pháp, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Pháo binh (7/9/1954), sau đổi thành Bộ Tư lệnh Pháo binh và Binh chủng Pháo binh (28/5/1956). Tư lệnh và Chính ủy đầu tiên của Binh chủng Pháo binh là các đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Hiến Mai.
4. Vị tướng này từng giữ chức hiệu trưởng của mấy trường?
Sách “Lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1 (1945-2015)” cho biết: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm hiệu trưởng nhà trường từ năm 1948 đến năm 1954. Đại tá Đỗ Đức Kiên, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, nhận xét ông là người nổi bật toàn diện về phẩm chất, trình độ, tác phong và tinh thần gương mẫu, tạo ảnh hưởng lớn đến toàn trường.
Năm 1957, khi Trường Sĩ quan Pháo binh được thành lập, ông tiếp tục đảm nhiệm chức hiệu trưởng. Là Tư lệnh binh chủng, ông thường xuyên sâu sát đơn vị, kiểm tra thực tế, trực tiếp hướng dẫn chiến sĩ, trở thành tấm gương về chỉ huy am hiểu và hành động mẫu mực.
5. Năm 1963, ông chuyển sang làm công tác đối ngoại với vai trò gì?
Theo Báo và Phát thanh, Truyền hình Nghệ An, năm 1963, theo yêu cầu của Trung ương Đảng, đồng chí Lê Thiết Hùng chuyển sang làm công tác đối ngoại: là Đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên(1963-1970).
Năm 1970, đồng chí Lê Thiết Hùng về nước làm Phó trưởng ban CP48 và Ban đối ngoại Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu.