Nhảy đến nội dung

Vì sức khỏe cả nhà tôi khẩn thiết khuyên bạn VỨT 9 món đồ này đi

Nếu trong nhà bạn còn đang giữ 9 món đồ này, hãy mạnh dạn vứt bỏ ngay. Đừng vì tiếc rẻ mà hại sức khỏe gia đình.

Người xưa hay nói: "Mới ba năm, cũ ba năm, vá vá đắp đắp lại ba năm nữa" ý chỉ sự tằn tiện, tiết kiệm, dùng đồ đạc tới mức tận cùng. Tinh thần sống tiết kiệm tuy không sai nhưng có những món đồ trong nhà nếu tiếp tục “cố dùng” thì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an toàn. Đặc biệt là 9 món dưới đây, bạn đừng vì tiếc của mà giữ lại, có ngày hối không kịp.

1. Nệm bị lún, trũng

Nệm dùng lâu ngày dễ bị lún do chịu lực không đều. Ngủ trên nệm bị trũng sẽ khiến cơ bắp căng cứng, đau nhức vai gáy, lưng và thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống. Với trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, nệm hỏng còn dễ khiến cột sống bị cong vẹo, gây hậu quả lâu dài. Thực tế từng ghi nhận một người tiêu dùng tại Thành Đô (Trung Quốc) phải điều trị vật lý trị liệu vì nệm lún gây đau lưng chỉ sau chưa đầy một năm sử dụng. 

Do đó, đừng chủ quan khi nệm nhà bạn bắt đầu xuống cấp. Vì giấc ngủ ngon và cột sống khỏe, hãy thay ngay chiếc nệm mới nếu cần thiết.

2. Ghế sắt có mặt ghế rời

Đây là kiểu ghế có khung rời giữa mặt ghế và ống sắt rỗng ở chân ghế. Khi người dùng vô tình đặt tay vào khe hở để di chuyển ghế, rất dễ bị kẹp ngón tay. Thế nên hãy kiểm tra ngay các loại ghế trong nhà, đặc biệt là những chiếc có kết cấu rời rạc. Nếu phát hiện nguy hiểm, bạn đừng chần chừ mà loại bỏ chúng. 

3. Đồ điện cũ vẫn còn pin bên trong

Các thiết bị cũ như máy ảnh lấy liền, đồ chơi chạy pin, điều khiển... nếu không được tháo pin sau khi ngừng sử dụng sẽ trở thành “quả bom nhỏ” trong nhà. Pin cũ có thể bị rò rỉ chất kiềm gây bỏng da, tổn thương hô hấp hoặc làm hỏng thiết bị. Thậm chí đã có trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng hóa học ở mặt và tay khi chơi với món đồ chơi có pin đã hư hỏng trong suốt 5 năm.

Các chuyên gia khuyến cáo nên kiểm tra và thay pin mỗi 3 năm 1 lần hoặc tháo bỏ hoàn toàn nếu không còn sử dụng thiết bị.

4. Ổ cắm điện có lỗ “đa năng”

Các ổ cắm điện kiểu cũ có thiết kế lỗ đa năng - tức cắm được cả phích 2 chấu lẫn 3 chấu - tưởng như tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Những ổ cắm này dễ bị lỏng, chập điện và hiện đã bị cấm sản xuất theo quy chuẩn an toàn mới. Tuy vậy, một số nhà sản xuất vẫn “lách luật” bằng cách gắn miếng dán giả bên ngoài để hợp thức hóa. Nếu trong nhà bạn còn ổ cắm dạng này, hãy thay ngay bằng ổ cắm đạt chuẩn an toàn để tránh nguy cơ cháy nổ, giật điện.

5. Thuốc nhỏ mắt đã mở nắp hơn 1 tháng

Thời đại công nghệ khiến ai cũng phải tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại thường xuyên, dẫn đến khô mắt, mỏi mắt và lệ thuộc vào thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, bạn có biết rằng thuốc nhỏ mắt sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong vòng 4 tuần, bất kể còn hạn sử dụng hay không? 

Thậm chí, với các loại không chứa chất bảo quản thì hạn dùng còn rút ngắn hơn chỉ trong 24 giờ. Việc tiếp tục sử dụng thuốc đã mở nắp lâu ngày có thể gây nhiễm khuẩn, viêm giác mạc hoặc thậm chí giảm thị lực nghiêm trọng. Đã từng có trường hợp người dùng bị viêm giác mạc cấp tính, thị lực giảm từ 1.0 xuống 0.1 chỉ sau một lần dùng thuốc nhỏ mắt đã mở từ 6 tháng trước.

6. Bình giữ nhiệt, cốc inox cũ

Các loại bình giữ nhiệt, cốc inox sau thời gian dài sử dụng (trên 5 năm) có thể bị oxy hóa, bong tróc lớp mạ bên trong khiến kim loại nặng như chì, niken nhiễm vào nước uống. Một trường hợp sinh viên dùng bình giữ nhiệt rỉ sét suốt 8 năm đã bị chóng mặt, buồn nôn do hàm lượng kim loại nặng trong nước vượt mức cho phép. Việc này âm thầm ảnh hưởng đến gan, thận và sức khỏe tổng thể. Thế nên nếu phát hiện bình có dấu hiệu gỉ sét hoặc đã dùng quá lâu, tốt nhất nên thay ngay.

7. Kính lão đã dùng quá lâu

Nhiều người nghĩ rằng kính lão là vật "sắm 1 lần cho mãi mãi" nhưng thực tế, mắt người già cũng thay đổi như mắt cận. Việc dùng kính sai độ, kính đã cũ hoặc trầy xước sẽ gây mỏi mắt, đau đầu, nhìn mờ và dễ xảy ra tai nạn khi di chuyển. Một ông cụ từng bị tai nạn giao thông do ước lượng sai khoảng cách vì kính cũ đã mòn qua 15 năm sử dụng. Do đó, bạn hãy giúp người thân kiểm tra kính định kỳ 1-2 năm/lần, đảm bảo phù hợp với độ mắt hiện tại.

8. Bản lề tủ đã rỉ sét

Bản lề tủ áo, tủ bếp, đặc biệt là ở các cánh tủ lớn nếu rỉ sét và lỏng lẻo sẽ trở thành “hung khí” tiềm tàng trong nhà. Tại Tế Nam, một người phụ nữ bị gãy xương bàn chân do cánh tủ rơi trúng. Đáng nói là bản lề tủ trước đó đã có dấu hiệu rỉ sét nhưng không xử lý. 

9. Ấm đun nước điện cũ

Ấm đun nước siêu tốc là vật dụng quen thuộc trong mọi gia đình. Nhưng theo khuyến cáo, nên thay mới sau 3 - 5 năm sử dụng vì các linh kiện như đế tiếp điện, dây nguồn sẽ bị lão hóa, làm tăng nguy cơ rò điện. Từng có trường hợp trẻ nhỏ bị điện giật do chạm phải ấm nước có phần đáy đã lỏng lẻo, gây rò điện sau hơn 12 năm sử dụng. Sức khỏe và tính mạng không thể đem đánh đổi với một chiếc ấm đã lỗi thời.

Nguồn: Toutiao