Vì sao vàng trong nước lại đắt đỏ vô lý?

Giá vàng trong nước những ngày gần đây biến động khó lường. Đáng nói, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang được kéo rất xa, lên tới gần 17 triệu đồng/lượng.
Lại tiến gần đến nhiều mức kỷ lục
Diễn biến giá vàng trong nước gần đây đang để ngỏ khả năng đưa thị trường vàng tới nhiều kỷ lục đã lập trước đó: Kỷ lục về giá cao nhất, kỷ lục về sự đắt đỏ so với giá thế giới.
Ngày 10.5, giá vàng miếng SJC tăng thêm 500.000 đồng mỗi lượng, các công ty đồng loạt đưa giá mua vào lên 120 triệu đồng, bán ra 122 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng 500.000 đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 114,5 triệu đồng, bán ra 117,1 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý mua vào 115 triệu đồng, bán ra 118 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào 114,5 triệu đồng, bán ra 117 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty Bảo Tín Minh Châu có mức giá vàng nhẫn cao nhất trên thị trường, mua vào 117 triệu đồng, bán ra 120 triệu đồng/lượng… Đáng nói, chênh lệch giá vàng nhẫn giữa các đơn vị khá cao, lên 3 triệu đồng/lượng. Thậm chí còn xảy ra hiện tượng hy hữu là giá bán vàng nhẫn của Tập đoàn Doji bằng giá mua vào của Công ty Bảo Tín Minh Châu.
Ngoài ra, giá vàng nhẫn đang thấp hơn vàng miếng SJC từ 3 - 5 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá chênh lệch cao nhất từ nhiều tháng trở lại đây. Mấy tháng qua, giá vàng nhẫn thường xấp xỉ vàng miếng SJC, có thời điểm giá vàng nhẫn còn cao hơn vài trăm ngàn đồng/lượng so với vàng miếng.
So với đầu tuần, giá vàng trong nước đã tăng hơn 2 triệu đồng mỗi lượng và tiến gần đến mức giá cao kỷ lục 124 triệu đồng/lượng. Tốc độ tăng giá nhanh khiến vàng miếng SJC đang đắt hơn vàng thế giới tới 17,2 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn đắt hơn thế giới lên 12 - 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới kết thúc tuần ở mức 3.325 USD/ounce, tăng gần 100 USD/ounce so với đầu tuần. Trong tuần qua, giá kim loại quý đã có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Vàng tăng giảm trong biên độ rộng từ 3.235 - 3.436 USD/ounce. Trong tuần này, diễn biến giá vàng bất thường khi các nhà đầu tư mua bán gia tăng. Cụ thể, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR vừa thực hiện bán 1,73 tấn vàng sau khi mua 2 tấn trước đó, lượng vàng nắm giữ giảm xuống còn 937,94 tấn. Kể từ đầu tháng 5 đến nay, quỹ này đã có 5 ngày bán ra 9,49 tấn vàng và 2 ngày mua vào 3,15 tấn. Thêm vào đó, hàng loạt ngân hàng (NH) trung ương các nước như Trung Quốc, Ba Lan, Czech… mua vàng trong thời gian qua cũng khiến giá vàng ở mức cao.
Ngoài ra, giá vàng chịu ảnh hưởng tác động từ nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine, xung đột Ấn Độ - Pakistan, cũng như việc NH trung ương các nước công bố chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất. Chỉ riêng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất USD đã hỗ trợ giá USD trên thị trường thế giới tăng cao so với các ngoại tệ khác. Chỉ số USD - Index tăng lên 100,35 điểm. Giá USD tăng phần nào làm giảm đà tăng của kim loại quý.
Trong khi đó, giá USD trong nước hiện khá ổn định ở mức giá cao. Vietcombank mua vào 25.750 - 25.780 đồng, bán ra 26.140 đồng/USD; ACB mua vào 25.760 - 25.790 đồng, bán ra 26.140 đồng/USD… Còn một số ngoại tệ khác tăng trở lại sau khi giảm mạnh trong tuần. Tại Vietcombank, giá EUR tăng 150 đồng, lên 28.626 - 28.915 đồng chiều mua vào, bán ra 30.195 đồng; bảng Anh tăng 50 đồng, lên 33.597 - 33.936 đồng chiều mua vào, bán ra 35.024 đồng…
Tăng vì tâm lý kỳ vọng hay vì đầu cơ thổi giá?
Sự đắt đỏ vô lý của vàng trong nước lại kéo theo tình trạng khách xếp hàng mua vàng tái diễn trong ngày cuối tuần qua, và như thường lệ, các đơn vị kinh doanh vàng cũng hạn chế lượng bán ra. Công ty Bảo Tín Minh Châu bán tối đa 1 chỉ vàng tròn Vàng Rồng Thăng Long/khách, còn vàng miếng SJC thì chưa có hàng. Các khách hàng tới SJC cũng chỉ được mua 1 lượng vàng miếng SJC, hoặc 1 chỉ vàng nhẫn. Theo công ty SJC, lượng khách hàng bán vàng cho công ty trong ngày giảm 30 - 40% so với trước đó, trong khi khách hàng mua thì không giảm.
Lực mua vàng trên thị trường vẫn cao bất chấp giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới hơn 17 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn từ 12 - 15 triệu đồng/lượng. Mức đắt đỏ này được duy trì trong khoảng 10 ngày trở lại đây và chưa có dấu hiệu đi xuống. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhấn mạnh: Nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường chưa xuất hiện thì mức giá đắt đỏ của vàng trong nước với thế giới vẫn chưa thể rút ngắn. Vàng nhẫn sở dĩ có mức giá thấp hơn do thị trường có nhiều thương hiệu, đồng thời vừa qua một số người bán vàng nhẫn, nguồn cung dù chưa là bao so với nhu cầu nhưng cũng được bổ sung thêm một ít. Cung khan hiếm trong khi lực mua vàng trong nước mấy ngày gần đây xuất hiện trở lại khi xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan xảy ra.
"Người mua vàng dù biết giá trong nước hiện cao hơn thế giới là rủi ro, nhưng việc hạn chế khối lượng mua hằng ngày từ 1 chỉ đến 1 lượng tạo tâm lý tích trữ vàng trong dân. Hôm nay mua được ít, mai lại tiếp tục mua nên người mua không quan tâm đến giá nữa", ông Trọng phân tích.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NH Nhà nước (NHNN) cũng xác nhận nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên NHNN không phải can thiệp thị trường. Nhà điều hành còn đưa ra một số nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tăng, đồng thời không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
"Chưa có nguồn cung điều tiết trên thị trường nên giá neo cao. Trong trường hợp nguồn cung tăng, giá sập mạnh thì đây là rủi ro cho người mua", ông Nguyễn Ngọc Trọng cảnh báo. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) cho rằng việc người dân xếp hàng mua vàng cho thấy kỳ vọng giá còn tăng trong khi nguồn cung vàng trong nước không nhiều. Với sự chênh lệch giá vàng trong nước đắt hơn thế giới hiện nay, NHNN cần sớm đưa ra nguồn cung vàng hoặc cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng theo Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Khi thị trường vàng có nguồn cung thì khoảng cách giá với thế giới mới được rút ngắn. Đồng thời, việc phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu và quản lý chặt chẽ dòng ngoại tệ sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng trên thị trường vàng.
"Với mức giá biến động trong ngày lên đến vài triệu đồng mỗi lượng, người dân cần thận trọng khi "lướt sóng" vàng, mua đi bán lại trong thời gian ngắn sẽ dễ bị lỗ nặng", ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.