Vì sao TP HCM không sốt giá chung cư mini 2 tỷ như Hà Nội?

Tôi đọc bài Chung cư mini 'hét' giá ngang căn hộ thương mại, nhân vật ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là tình huống không còn xa lạ với nhiều người trẻ đang chật vật tìm chỗ an cư giữa lòng thủ đô.
Cầm trong tay 1,5 tỷ đồng, anh hy vọng mua được một căn hộ nhỏ vừa túi tiền. Thế nhưng, thực tế phũ phàng: Căn chung cư mini 48 m2 trong ngõ được rao tới gần 2 tỷ đồng, mức giá tương đương với một căn hộ thương mại bình dân.
Điều bất ngờ hơn nữa là căn hộ này không hề có sổ hồng, không thể thế chấp ngân hàng, lại chỉ được giao dịch bằng vi bằng, một hình thức ghi nhận sự việc.
Một người khác, thuê nhà ở Đống Đa, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bị yêu cầu dọn khỏi căn hộ chị đang thuê để chủ nhà rao bán, chị hỏi giá và sững sờ: hơn 1,7 tỷ cho căn 46 m2.
Vậy mà với số tiền đó, người mua vẫn không có được những quyền lợi cơ bản nhất của một chủ sở hữu hợp pháp.
Hà Nội có diện tích hơn 3.345 km2, TP HCM diện tích 2.095 km2. Trong khi đó, TP HCM có mật độ dân số cao hơn 1,7 lần, lại không chứng kiến tình trạng "chung cư mini hét giá" phổ biến như ở Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao?
Thực tế, hiện tượng "sốt giá" chung cư mini tại Hà Nội không chỉ đến từ nhu cầu nhà ở, mà còn là hệ quả của tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ kéo dài. Trong bối cảnh các dự án nhà ở thương mại ngày càng xa tầm tay người thu nhập trung bình, chung cư mini trở thành một phương án thay thế.
Nhưng cái gọi là "phương án" ấy lại chứa đựng nhiều rủi ro: từ pháp lý, phòng cháy chữa cháy, đến kết cấu công trình.
Đã có những vụ việc cảnh báo rõ ràng: gần 60 hộ dân ở tòa nhà trong ngõ 236 Khương Đình phải di dời khẩn cấp vì nguy cơ sập đổ, 40 hộ ở ngõ Đại Kim đứng trước nguy cơ mất trắng vì chủ nhà thế chấp cả tòa chung cư đã bán hết. Tất cả đều là những người từng tin rằng mình đã "an cư" với một khoản tiền tỷ, nhưng thực chất chỉ là "thuê dài hạn" với đầy rủi ro tiềm ẩn.
Giá chung cư mini tăng nhanh một phần cũng vì áp lực đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy sau các chỉ thị siết chặt. Chủ đầu tư buộc phải nâng giá bán để bù chi phí, đẩy gánh nặng lên vai người mua, những người vốn đã chật vật gom từng đồng để tìm một chỗ ở nhỏ nhoi giữa lòng đô thị.
Điều trớ trêu là, những căn hộ mini đó, dù nhỏ bé, không giấy tờ, không an toàn lại được rao bán với mức giá tiệm cận hoặc ngang bằng căn hộ thương mại ở khu vực ven đô.
Tại sao một sản phẩm "kém chuẩn" về pháp lý và chất lượng lại có thể leo giá nhanh đến vậy? Câu trả lời nằm ở sự méo mó của thị trường: Khi nhu cầu quá lớn, mà nguồn cung lại hạn chế, người dân sẵn sàng đánh đổi rủi ro để mua được một chỗ chui ra chui vào.
Nhưng sự đánh đổi ấy có đáng không?
Mỗi căn chung cư mini được bán bằng vi bằng, không có pháp lý rõ ràng, chính là một rủi ro hiện hữu. Không thể thế chấp ngân hàng, không được cấp sổ hồng, không có cam kết từ chủ đầu tư về an toàn công trình người mua hoàn toàn ở thế yếu trong mọi tranh chấp phát sinh. Họ chỉ còn niềm tin mong manh vào sự tử tế của người bán và sự may mắn của chính mình.
Câu chuyện nhà ở bình dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM không còn là chuyện của riêng người nghèo hay người nhập cư.
Đó là bài toán về sự phát triển bền vững của một thành phố, của xã hội. Nếu không có chính sách kịp thời và quyết liệt, người dân sẽ mãi chạy theo những căn nhà "gần giống sở hữu" mà không bao giờ có quyền sở hữu thực sự.
Minh Hoàng