Nhảy đến nội dung
 

Vì sao pin smartphone Android kém hơn sau khi cập nhật phần mềm

Nhiều người dùng smartphone Android có thể nhận thấy việc pin của họ không còn bền bỉ như trước sau khi cài đặt bản cập nhật phần mềm mới.

Việc pin smartphone kém hơn sau mỗi lần cập nhật phần mềm có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có những vấn đề phổ biến giải thích cho hiện tượng này.

Tăng hoạt động nền sau khi cập nhật

Khi cập nhật phần mềm, đặc biệt là các bản cập nhật lớn, smartphone Android sẽ phải khởi động nhiều quy trình nền nhằm mục đích tối ưu hóa các ứng dụng đã cài đặt. Quá trình này bao gồm việc biên dịch lại ứng dụng và xóa bộ nhớ đệm để tránh lỗi phát sinh từ dữ liệu cũ. Mặc dù hoạt động này diễn ra âm thầm nhưng chúng tiêu tốn nhiều tài nguyên của hệ thống và dẫn đến việc pin bị tiêu hao nhanh hơn.

Các tính năng mới tiêu tốn pin

Các bản cập nhật phần mềm Android thường giới thiệu nhiều tính năng mới, trong số này có một số tính năng có thể hoạt động ở chế độ nền mà người dùng không nhận ra. Những tính năng như tự động hóa thói quen hay dịch vụ định vị có thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, điều này làm giảm thời lượng pin của thiết bị. Ví dụ, trên thiết bị Galaxy của Samsung, tính năng Bixby Routine có thể được kích hoạt thường xuyên hơn sau khi cập nhật, dẫn đến tình trạng pin cạn nhanh.

Thay đổi cài đặt pin

Một số bản cập nhật Android có thể thay đổi cài đặt pin trên smartphone mà không thông báo rõ ràng cho người sử dụng. Chẳng hạn, bản cập nhật Android 15 QPR1 đã giới thiệu tính năng tối ưu hóa sạc cho các thiết bị Pixel, cho phép nó có thể khiến pin sạc chậm hơn hoặc không đầy. Bên cạnh đó, một số bản cập nhật thậm chí có thể giảm dung lượng sạc tối đa để bảo vệ tuổi thọ pin của thiết bị, có thể không ảnh hưởng lớn đến thời gian sử dụng hằng ngày nhưng lại quan trọng cho sức khỏe pin về lâu dài.

Tăng cường sử dụng smartphone

Việc được bổ sung nhiều tính năng mới cũng như giao diện người dùng hấp dẫn hơn từ các bản cập nhật phần mềm mới có thể khiến người dùng dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại. Điều này có thể dẫn đến việc tăng thời gian sử dụng của người dùng, dẫn đến nội dung hiển thị trên màn hình nhiều hơn cũng như khai thác tài nguyên hệ thống, từ đó làm giảm hiệu suất pin.

Lỗi phần mềm

Mặc dù các nhà sản xuất thường cố gắng cải thiện hiệu suất qua các bản cập nhật nhưng đôi khi chúng cũng có thể gây ra lỗi, dẫn đến tình trạng hao pin không mong muốn. Những lỗi này có thể ảnh hưởng đến một số người dùng nhất định và thường được khắc phục qua các bản vá mà nhà sản xuất tung ra sau đó. Ngoài ra, một số ứng dụng có thể chưa được tối ưu hóa cho phiên bản Android mới, dẫn đến việc tiêu tốn pin nhiều hơn cho đến khi có bản cập nhật từ nhà phát triển.

Cuối cùng, việc theo dõi tình trạng pin và các ứng dụng đang tiêu tốn năng lượng trên smartphone là rất quan trọng, giúp người dùng xác định nguyên nhân gây ra tình trạng hao pin, từ đó có thể đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời.