Nhảy đến nội dung

Vì sao lựa chọn tên tỉnh Đồng Nai khi sáp nhập với Bình Phước?

Sau sáp nhập với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai (mới) có 95 xã, phường, Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh mới đặt tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, sau sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh mới sẽ có tên gọi là tỉnh Đồng Nai. Số lượng ĐVHC cấp xã sau sắp xếp là 95 đơn vị.

Tỉnh Đồng Nai mới sau sắp xếp, sáp nhập có diện tích 12.737,17 km2 (đạt 255% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 4 triệu người (đạt 302% so với tiêu chuẩn). Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh mới đặt tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Để thuận lợi trong giai đoạn đầu sáp nhập 2 tỉnh, tỉnh sẽ bố trí một số cơ quan có 2 trụ sở tại Đồng Nai và Bình Phước.

Dự thảo đề án cũng nêu rõ 3 yếu tố để lựa chọn tên tỉnh Đồng Nai.

Thứ nhất về yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, Đồng Nai là một trong những địa danh lâu đời nhất của Nam Bộ, có lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển, gắn liền với quá trình khai phá và định hình vùng đất phương Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đồng Nai là trung tâm kinh tế - hành chính quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của Nam Bộ. Đồng thời, sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo đã tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú và đặc sắc cho tỉnh Đồng Nai. Việc lựa chọn tên Đồng Nai cho tỉnh mới không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn thể hiện sự kế thừa và phát huy bản sắc vùng đất năng động, giàu tiềm năng của tỉnh.

Thứ hai, Đồng Nai từ lâu đã là một địa danh có tính nhận diện cao, gắn liền với hình ảnh của một tỉnh công nghiệp phát triển sôi động bậc nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ thập niên 1960 đã hình thành Khu kỹ nghệ Biên Hòa (sau đổi tên là Khu Công nghiệp Biên Hòa 1), đây được coi là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam; sau năm 1975 đến nay, tỉnh Đồng Nai có sự phát triển mạnh các khu công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thương hiệu “Đồng Nai” không chỉ nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp mà còn có vị trí quan trọng trong quy hoạch đô thị, logistics, phát triển hạ tầng và khả năng kết nối vùng sân bay Biên Hòa, Sân bay Quốc tế Long Thành; Văn miếu Trấn Biên gắn liền với địa danh của tỉnh Đồng Nai. Việc lựa chọn tên gọi “Đồng Nai” cho tỉnh mới sẽ góp phần tận dụng tối đa thương hiệu đã được xây dựng vững chắc, tiếp tục thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.

Thứ ba, việc đặt tên Đồng Nai bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ. Việc lựa chọn tên tỉnh mới là “Đồng Nai” - một trong hai tên gọi đã tồn tại trước khi sáp nhập - có thể được xem là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.