Vì sao liên tục xảy ra lừa đảo 'bắt cóc online'?

Liên tiếp xảy ra những vụ việc giả mạo công an để "bắt cóc online" nhắm vào đối tượng học sinh với mức độ đáng báo động. Vì sao hình thức lừa đảo này lại nở rộ như vậy?
Nhắm vào mục tiêu non nớt
Nhớ lại quá trình bị lừa đảo hoặc vụ án ma túy xuyên quốc gia và yêu cầu em phải thực hiện theo hướng dẫn, nếu không sẽ bị ở tù. Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu em đăng nhập ứng dụng "Zoom Workplace" và cung cấp mã ID để tham gia nhóm chat. Họ giả mạo sắc phục, quay camera để nhìn thấy khung cảnh xung quanh là cơ quan hành chính. Họ nói đúng tên họ, số căn cước của em, và cho thấy một đối tượng bị bắt còng tay nên em tin là thật", nạn nhân kể.
Thấy cô bé hoảng sợ và tin tưởng, những kẻ mạo danh liên tục hù dọa, dụ dỗ và yêu cầu làm theo hướng dẫn. Nhóm lừa đảo dẫn dụ em ra khỏi nhà, tự thuê phòng khách sạn, nhà trọ để "giữ bí mật, phối hợp điều tra". Tiếp đó ép buộc em gọi về gia đình cũng như chiếm đoạt tài khoản Zalo của em để tự liên hệ người thân nhằm đòi tiền chuộc.
Tương tự, em N.M.T, học sinh lớp 12 tại An Giang mặc dù bình tĩnh hơn nhưng cũng không tránh khỏi bị các đối tượng dàn cảnh, diễn xuất và thao túng tâm lý. N.M.T kể: "Ban đầu em cũng nghi ngờ, không tin tưởng nhưng các đối tượng này dàn cảnh đang làm việc và liên tục răn đe ở đây có Bộ Công an, Viện kiểm sát, đề nghị em hợp tác. Bọn chúng liên tục giám sát em không cho thoát ứng dụng, còn bảo em không thực hiện là chống người thi hành công vụ mà em thì còn đi học, em sợ bị ghi vào hồ sơ sẽ ảnh hưởng xấu nên em làm theo".
Theo cơ quan công an, hiện nay tình trạng những kẻ lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng, lợi dụng công nghệ và internet nhắm vào các nạn nhân là học sinh, sinh viên nhằm thao túng tâm lý, từng bước khiến nạn nhân thực hiện theo kịch bản và mục đích cuối cùng là gọi điện thông báo gia đình để chuyển tiền chuộc.
Mới đây, Công an P.Việt Hưng (Hà Nội) phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.Hà Nội) kịp thời ngăn chặn một vụ "bắt cóc online" với thủ đoạn tương tự. Cụ thể, vào chiều 23.7, cháu X. (18 tuổi) nhận được cuộc gọi tự xưng là công an nói cháu có liên quan đến vụ án rửa tiền. Sau đó, đối tượng hướng dẫn cháu tải phần mềm "Zoom Workplace" để làm việc trực tuyến. Khi kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản để "phục vụ công tác điều tra" thì cháu nói không có tiền. Lúc này, đối tượng hướng dẫn cháu phải đóng giả bị bắt cóc để lấy tiền của gia đình. Sau đó, đối tượng bảo cháu X. đến một khách sạn thuê phòng ẩn náu, không nghe bất kỳ cuộc gọi nào khác ngoài cuộc gọi "phục vụ điều tra". Các đối tượng buộc cháu X. gọi điện về gia đình yêu cầu chuyển khoản 300 triệu đồng để chuộc người.
Ngay sau khi nhận được tin trình báo của gia đình, Công an P.Việt Hưng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội cùng các đơn vị chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Đến khoảng 18 giờ 45 cùng ngày, lực lượng công an đã tìm được cháu X. ở một mình trong khách sạn. Sau khi được cán bộ giải thích, cháu X. mới biết mình bị lừa đảo.
Cũng trên địa bàn TP.Hà Nội, Công an P.Ô Chợ Dừa kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo, giả danh công an đe dọa một nữ sinh tên M. (19 tuổi). Sau khi bị nhóm người lừa đảo dẫn dụ và thao túng tâm lý, cháu M. gọi về gia đình qua Zalo cho biết mình bị bắt cóc và cho xem video trên người cháu có nhiều vết thương; đồng thời nhờ gia đình chuyển khoản 370 triệu đồng cho các đối tượng, nếu không sẽ bị "chặt ngón tay". Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an P.Ô Chợ Dừa khẩn trương huy động lực lượng điều tra và nhanh chóng tìm được cháu M. đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành.
Tại Quảng Ninh, trong vòng một tuần, Công an tỉnh liên tiếp phá 2 vụ lừa đảo theo kịch bản nói trên, giúp các gia đình không bị mất tiền và giải cứu an toàn các sinh viên. Gần nhất, trưa 21.7, một người đàn ông ở P.Vàng Danh vô cùng hoảng hốt khi nhận tin nhắn nói con gái ông là sinh viên đại học ở Hà Nội đã bị bắt cóc, yêu cầu gia đình chuyển 370 triệu đồng để chuộc.
Thủ đoạn tàn độc
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), Giám đốc dự án Chongluadao.vn, phân tích: "Các đối tượng lừa đảo thường xuyên dàn dựng, thay đổi các kịch bản liên tục và ngày càng chuyên nghiệp hơn, lợi dụng công nghệ, ứng dụng smartphone và internet ngày càng phổ biến. Với chiêu trò gọi điện thoại qua video call và giả mạo cơ quan điều tra, các đối tượng dựng nên kịch bản đang trong phòng làm việc và có cả những nhân vật khác đóng vai tội phạm. Tất cả bối cảnh xung quanh được thiết kế giống như thật cho nên khi nhìn qua video call, nạn nhân không phân biệt được và dần bị cuốn theo thủ đoạn thao túng tâm lý của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp".
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn an ninh mạng Athena, cũng bức xúc: "Thủ đoạn bắt cóc online nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của nạn nhân và gia đình, nhưng hành vi này rất tàn độc, gây tác động tâm lý rất lớn đối với các nạn nhân là thiếu niên mới lớn và để lại sang chấn lâu dài. Để tạo được niềm tin ban đầu, các đối tượng này phải nắm được thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, số CCCD và cả trường học. Những thông tin này lấy được từ đâu? Tôi cho rằng ngoài tình trạng mua bán dữ liệu trên thị trường chợ đen còn có sự tiếp tay, móc ngoặc từ chính nội bộ nhân viên các công ty giao hàng. Theo dõi những vụ án "bắt cóc online" gần đây, tôi nhận thấy kịch bản đầu tiên được dàn dựng là "công an bắt giữ shipper giao hàng", với đơn hàng đã được giao trước đó cho nạn nhân. Rõ ràng thông tin vận chuyển, chi tiết đơn hàng đã được ai đó đưa cho các nhóm lừa đảo một cách nhanh chóng. Để hạn chế kịch bản lừa đảo này thì trước hết phải tăng cường bảo mật và chặt đứt việc cung cấp thông tin mua hàng online, tiếp sau đó là nâng cao ý thức cảnh giác, tuyên truyền cho người dân hiểu được thủ đoạn này".