Vì sao Israel không kích Syria?

Bạo lực sắc tộc tại Syria khiến hàng chục người chết, đẩy cộng đồng Druze vào tâm bão. Israel bất ngờ can thiệp quân sự với lý do “bảo vệ anh em huyết thống”.
Một làn sóng bạo lực sắc tộc mới vừa bùng phát tại Syria, đặt cộng đồng thiểu số Druze vào thế đối đầu với chính quyền mới ở Damascus và khiến Israel mở rộng chiến dịch không kích tại miền Nam Syria.
Israel, với tuyên bố bảo vệ người Druze - một cộng đồng có quan hệ thân thiết với dân Druze trong lãnh thổ Israel - đã nhanh chóng không kích các đơn vị quân đội Syria tiến gần Suwayda.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cảnh báo: nếu quân chính phủ không rút khỏi khu vực, các đòn tấn công sẽ còn được tăng cường, theo CNN.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Israel mở rộng không kích đến tận Damascus, nhắm vào trụ sở Bộ Quốc phòng và khu vực gần phủ Tổng thống.
Căng thẳng bùng phát ở Suwayda
Hôm 15/7, quân đội Syria tiến vào Suwayda - thành trì của cộng đồng Druze ở miền Nam - sau khi xung đột dữ dội nổ ra giữa lực lượng Druze và các bộ tộc Bedouin cuối tuần trước. Ít nhất 30 người đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.
Lực lượng Hồi giáo thân chính phủ gia nhập cuộc chiến, khiến cộng đồng Druze càng lo sợ bị đàn áp và kêu gọi sự bảo vệ từ quốc tế.
Đáp lại, Israel tiến hành không kích vào lực lượng chính phủ Syria đang áp sát Suwayda, tuyên bố sẽ tiếp tục hành động quân sự nếu cần để bảo vệ người Druze. Israel cũng đe dọa gia tăng tấn công nếu quân đội Syria không rút khỏi khu vực.
Sau các cuộc họp có sự tham gia của Mỹ, chính phủ Syria đã đồng ý rút quân và công bố lệnh ngừng bắn mới với dân quân Druze.
Tổng thống Ahmed al-Sharaa thừa nhận: “Chúng tôi buộc phải chọn giữa chiến tranh toàn diện với Israel hoặc để các giáo sĩ Druze đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”.
Người Druze là ai?
Người Druze là một tộc người gốc Ả Rập, có khoảng 1 triệu người sinh sống chủ yếu tại Syria, Lebanon và Israel. Riêng tại tỉnh Suwayda ở miền Nam Syria, họ là cộng đồng chiếm đa số. Druze theo một tôn giáo tách biệt với Hồi giáo dòng chính, không cho phép cải đạo và kết hôn ngoài cộng đồng.
Trong suốt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ, người Druze nhiều lần bị kẹt giữa hai làn đạn: giữa chính quyền Assad và các nhóm Hồi giáo cực đoan.
![]() |
Người Druze tại Israel vượt biên sang Syria để thăm người thân giữa lúc xung đột vẫn tiếp diễn tại các khu vực Druze ở Syria, tại Majdal Shams, gần đường ranh giới ngừng bắn giữa khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát và Syria vào ngày 16/7. Ảnh: Reuters. |
Tại cao nguyên Golan - vùng lãnh thổ trước kia thuộc Syria, do Israel chiếm đóng từ năm 1967 và sáp nhập vào năm 1981 - có hơn 20.000 người Druze sinh sống. Họ từ chối quốc tịch Israel, khẳng định mình là công dân Syria và chỉ được cấp thẻ cư trú.
Tuần này, quân đội Israel xác nhận hàng trăm người Druze từ Golan đã vượt biên sang Syria, dường như để hỗ trợ cộng đồng của họ theo lời kêu gọi từ các thủ lĩnh Druze.
Vì sao Syria xung đột với Druze?
Sau khi chế độ Bashar al-Assad bị lật đổ cuối năm 2024, Tổng thống mới Ahmed al-Sharaa cam kết xây dựng chính phủ hòa hợp và bảo vệ các cộng đồng thiểu số. Tuy nhiên, các lực lượng thân chính quyền, đặc biệt là các nhóm Hồi giáo dòng Sunni cực đoan, vẫn tiếp tục đối đầu với các tộc người không cùng tôn giáo.
Từ đầu năm đến nay, nhiều người người Alawite (cùng hệ phái với ông Assad) và Druze đã thiệt mạng trong các đợt xung đột với quân chính phủ. Cụ thể, vào tháng 3, hàng trăm người Alawite thiệt mạng trong đợt trấn áp ở Latakia. Tháng 4, hơn 100 người chết trong giao tranh giữa dân quân Druze và lực lượng thân chính phủ.
Một trong những điểm mấu chốt gây căng thẳng là việc giải giáp dân quân Druze. Al-Sharaa muốn tích hợp họ vào quân đội chính quy nhưng phía Druze từ chối và kiên quyết giữ vũ trang độc lập.
![]() |
Lãnh đạo người Druze Syria Sheikh Hikmat al-Hajri. Ảnh: Reuters. |
Người Druze không chỉ lo ngại bị mất quyền tự vệ mà còn bức xúc trước việc bị loại khỏi quá trình đối thoại quốc gia. Trong nội các mới, họ chỉ có một bộ trưởng - một tỷ lệ bị cho là mang tính tượng trưng hơn là thực chất.
Lệnh ngừng bắn mới vừa đạt được sau nhiều ngày giao tranh, trong đó có điều khoản thành lập ủy ban giám sát chung và cho phép người Druze tự quản lý an ninh tại Suwayda.
Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn bị chia rẽ trong nội bộ: thủ lĩnh Youssef Jarbou ủng hộ, nhưng nhân vật có ảnh hưởng khác - Hikmat al-Hijri - lại phản đối và kêu gọi tiếp tục chiến đấu.
Israel can thiệp vì điều gì?
Trước diễn biến ở Syria, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel có “nghĩa vụ đạo lý và lịch sử” bảo vệ người Druze tại Syria vì mối quan hệ huyết thống và lịch sử sâu sắc với cộng đồng Druze ở Israel.
Khoảng 130.000 người Druze sống tại miền Bắc Israel, chủ yếu ở vùng Carmel và Galilee. Khác với các nhóm thiểu số khác, nam giới Druze từ 18 tuổi trở lên bắt buộc nhập ngũ từ năm 1957 và nhiều người giữ vị trí cao trong quân đội, cảnh sát và an ninh.
Israel cũng đơn phương tuyên bố thiết lập vùng phi quân sự tại miền nam Syria - hành động bị Damascus và cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ, gọi đây là “vi phạm trắng trợn chủ quyền Syria”.
Trong khi đó, một số thủ lĩnh Druze lại hoan nghênh sự can thiệp của chính phủ Syria vào Suwayda và kêu gọi các nhóm vũ trang giao nộp vũ khí để đối thoại với Damascus.
![]() |
Các đợt không kích diễn ra khi lực lượng chính phủ Syria giao tranh với dân quân Druze tại Suwayda. Biểu đồ: CNN. |
Từ sau khi chế độ Assad sụp đổ vào tháng 12/2024, Israel vừa mở rộng lãnh thổ chiếm đóng, vừa tăng cường tấn công Syria với lý do “ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan tái vũ trang.”
Điều này diễn ra trong khi Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, lại đang cố gắng thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Israel - Syria.
Washington kỳ vọng Syria sẽ tham gia Hiệp định Abraham - loạt thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập. Trước đó, vào tháng 5, Tổng thống Donald Trump gặp Tổng thống al-Sharaa tại Riyadh và tuyên bố gỡ bỏ cấm vận Syria - một bước tiến quan trọng trong việc tái hòa nhập Syria vào cộng đồng quốc tế.
Israel cũng tỏ ý sẵn sàng mở rộng các hiệp định này, nhất là sau chiến thắng trước Iran. Tuy nhiên, các đợt không kích liên tục khiến mục tiêu này trở nên mong manh.
Trong bài phát biểu mới nhất, Tổng thống Sharaa tuyên bố: “Thực thể Israel đang cố biến đất nước chúng tôi thành chiến trường hỗn loạn”.
Trong khi đó, ông Netanyahu vẫn xem chính quyền mới ở Damascus là “mối đe dọa Hồi giáo cực đoan” với Israel. Một quan chức Israel tiết lộ Thủ tướng từng đề nghị ông Trump không dỡ bỏ cấm vận Syria vì lo ngại lặp lại thảm kịch như cuộc tấn công ngày 7/10/2023 do Hamas phát động.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...