Vì sao Công ty Thái Dương có thể khai thác trái phép cả ngàn tấn quặng đất hiếm?

Trong vụ án hàng ngàn tấn quặng đất hiếm bị khai thác trái phép, cơ quan tố tụng cáo buộc trách nhiệm đối với cựu lãnh đạo Bộ TN-MT khi cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương không đúng quy định.
Ngày 13.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương).
Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác trái phép hàng ngàn tấn quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái), với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng. Trong đó, các bị cáo đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.
Để sai phạm này có thể diễn ra, cơ quan tiến hành tố tụng xác định có trách nhiệm của lãnh đạo Tổng cục Địa chất - Khoáng sản và Bộ TN-MT trong việc tham mưu, ký cấp giấy phép khai thác cho doanh nghiệp không đúng quy định.
Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng (hết hạn nhưng chưa gia hạn hoặc cấp mới), không có giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy thủy luyện, nhà máy chiết tách. Vốn chủ sở hữu chỉ có 200 tỉ đồng, tương ứng 10% tổng mức đầu tư dự án, trong khi yêu cầu phải đạt 30%.
Thiếu nhiều điều kiện là vậy, nhưng khi thẩm định, các cán bộ tại Tổng cục Địa chất - Khoáng sản vẫn đánh giá là đạt rồi trình lên Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc. Ông Ngọc sau đó ký cấp giấy phép khai thác cho doanh nghiệp.
Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc cho biết, khi Công ty Thái Dương nộp hồ sơ lần đầu, chiếu theo quy định tại luật Khoáng sản năm 2005 thì đủ điều kiện. Tuy nhiên, tháng 7.2011, luật Khoáng sản năm 2011 có hiệu lực, việc cấp phép khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước tạm dừng cho đến khi có chỉ đạo mới.
Đến đầu năm 2012, Nghị quyết 02 và Chỉ thị 02 được ban hành, xác định điểm cốt lõi khi khai thác khoáng sản là "phải gắn liền với chế biến sâu, không được mang khoáng sản thô đi xuất bán".
Công ty Thái Dương sau đó xin cấp phép lại. Thời điểm này, theo yêu cầu thì doanh nghiệp phải có đề án nhà máy chế biến sâu, gồm nhà máy thủy luyện tại Yên Bái và nhà máy chiết tách tại Hải Phòng.
Thực tế cho thấy, hồ sơ của Công ty Thái Dương không có giấy chứng nhận đầu tư cả 2 nhà máy nêu trên, song doanh nghiệp này vẫn được cấp giấy khai thác tại mỏ Yên Phú.
Cựu thứ trưởng nhận sai, nói rất đau xót
Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho hay, theo quy trình về cấp phép khai thác khoáng sản, Tổng cục Địa chất - Khoáng sản sẽ chuyển hồ sơ qua văn thư, rồi chuyển qua phòng bị cáo, chứ "không có cán bộ của tổng cục hay chuyên viên nào cầm hồ sơ trực tiếp lên báo cáo". Nhận hồ sơ, ông Ngọc nghiên cứu, nếu có vấn đề sẽ trả lại.
Mãi đến sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Ngọc mới phát hiện giấy chứng nhận của Công ty Thái Dương đã hết hạn từ năm 2011. "Đó là cái sai của tôi, cảm thấy rất đau xót", bị cáo nói.
Vẫn theo cựu thứ trưởng, năm 2011 - giai đoạn Công ty Thái Dương nộp hồ sơ, Việt Nam và Nhật Bản có chương trình hợp tác thăm dò, khai thác, chế biến, chuyển giao công nghệ và đầu tư vốn về khai thác đất hiếm. Mỏ Yên Phú khi ấy được định hướng khai thác gắn với chế biến, không được bán thô. Do đó, Công ty Thái Dương đã hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ chế biến, tiêu thụ sản phẩm và thu xếp vốn cho dự án.
Cho rằng mọi thứ đã sẵn sàng, lại "đang rất cần công nghệ tốt của Nhật Bản", đây là những yếu tố thôi thúc ông Ngọc phê duyệt giấy phép cho doanh nghiệp.
Trước ông Ngọc, cựu thuộc cấp của ông là bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, khi khai trước tòa cũng nói "rất hy vọng" vào sự hợp tác giữa Công ty Thái Dương và công ty của Nhật Bản.
Xuất phát từ tâm lý trên, cộng thêm áp lực công việc, ông Thuấn đã "chủ quan, không xem kỹ hồ sơ". Khi cấp dưới trình hồ sơ lên, bị cáo "thấy đầy đủ theo quy định nên không kiểm tra, đọc dự thảo giấy phép thì ký tờ trình luôn".