Nhảy đến nội dung

Vi phạm giao thông, chỉ tăng phạt tiền thì chưa đủ

Song song với việc tăng mức tiền xử phạt, chuyên gia cho rằng cần thêm các giải pháp khác để cải thiện tình hình giao thông, bao gồm bổ sung chế tài xử lý và nâng cao ý thức của tài xế.

Theo chương trình, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về dự án luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi). Một trong những nội dung được quan tâm là dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền đối với vi phạm thuộc nhiều lĩnh vực.


Vi phạm giao thông, phạt tối đa 150 triệu đồng

Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và Nghị định 168/2024 quy định mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng. Tại dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền tối đa nêu trên, lên 150 triệu đồng. Mức tăng này nhằm tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm, tăng tính răn đe, qua đó đáp ứng yêu cầu cấp bách trong quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực "nóng".

Theo Cục CSGT (C08) Bộ Công an, sau 3 tháng thực hiện Nghị định 168/2024 (tính đến tháng 4.2025), các tiêu chí về vi phạm, tai nạn giao thông (TNGT) đều giảm mạnh. Tuy vậy, gần đây đã xuất hiện tình trạng "nhờn luật" khi một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông (TGGT) có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Trước đây, Nghị định 100/2019 quy định hành vi điều khiển xe đi ngược chiều, lùi xe, quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 16 - 18 triệu đồng. Nghị định 168/2024 sau đó tăng mức phạt lên 30 - 40 triệu đồng. Mức phạt cao là vậy, song thời gian qua vẫn liên tục ghi nhận các trường hợp điều khiển ô tô ngược chiều trên cao tốc, tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn cho người TGGT.

Nhìn vào thực tế này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, nói mức phạt dù cao nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ răn đe với các trường hợp cố tình vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Ông ủng hộ việc tăng mức phạt tiền tối đa như đề xuất, để mỗi khi cầm vô lăng, tài xế sẽ phải ý thức, dè chừng hơn. Tuy vậy, ông kiến nghị chỉ nên tăng với những hành vi mang tính chất cố ý, coi thường pháp luật, nhằm tập trung sự răn đe "có trọng tâm, trọng điểm", chứ không nên tăng đại trà.

Chỉ phạt tiền là chưa đủ

Nhận định ý thức của nhiều tài xế khi TGGT hiện nay còn kém, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói việc cải thiện vấn đề này rất quan trọng, nhưng nếu chỉ tập trung tăng phạt tiền thì chưa đủ.

Dẫn thực tế mức phạt tiền với hành vi đi ngược chiều trên cao tốc đã tăng rất cao nhưng nhiều người vẫn vi phạm, ông Hòa cho rằng tăng phạt tiền chỉ là một trong các giải pháp trước mắt, giải quyết "phần ngọn" và cũng không thể tăng mãi vì phải phù hợp với thu nhập của người dân. Giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề từ "gốc rễ" là cải thiện ý thức của người TGGT.

Vị đại biểu gợi ý có thể nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý khác bên cạnh việc phạt tiền, ví dụ như lao động công ích. Ông Hòa kỳ vọng nếu triển khai một cách phù hợp, nghiêm túc và có cơ chế giám sát, kiểm tra, chế tài này sẽ đánh mạnh vào ý thức của người vi phạm, xóa bỏ tâm lý "cứ nộp phạt là xong".

Ông Nguyễn Văn Thanh thì đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cả về kiến thức và ý thức cho tài xế, xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch cho đến kiểm soát, xử lý vi phạm. "Nói thì lý thuyết, nhưng đây là yêu cầu rất quan trọng, sẽ định hình nhận thức, đạo đức của tài xế một cách có hệ thống", ông Thanh nói.

Ông Thanh còn kiến nghị xây dựng chương trình truyền thông riêng biệt về giao thông trên cao tốc, bởi đây là nhóm thường xảy ra các vi phạm tiềm ẩn mức độ nguy hiểm rất cao. Cùng đó là xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai rộng rãi các trường hợp vi phạm. "Báo chí, truyền thông, mạng xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi cố tình vi phạm, để ăn sâu vào nhận thức, không chỉ với người vi phạm mà với tất cả tài xế đang TGGT mỗi ngày", ông Thanh góp ý.

Sớm "phủ kín" hệ thống camera giám sát

Nhiều ý kiến cho rằng cải thiện hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao ý thức người TGGT. Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, phản ánh không ít trường hợp đường sá chất lượng kém, biển báo không rõ ràng hoặc bị che lấp, vạch kẻ đường phai mờ… khiến việc chấp hành rất khó khăn.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sớm "phủ kín" hệ thống camera giám sát trên mọi tuyến đường. "Phạt nguội" vừa giúp giảm đầu tư nhân lực, vừa tăng sự minh bạch trong công tác kiểm soát, xử lý vi phạm. Cùng với đó là khuyến khích mỗi người dân, mỗi tài xế là một "tai mắt" giám sát người bên cạnh, ai cũng phải cẩn trọng khi ra đường.

"Có không ít tài xế vi phạm vì họ không thấy có CSGT, hoặc tin rằng mình không bị phát hiện. Nhưng nếu làm cho họ hiểu bất cứ lúc nào, ở đâu cũng đang bị giám sát, tự khắc sẽ phải đi đúng, đi chuẩn để không bị mất tiền", luật sư nêu.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị, cũng cho rằng tăng mức phạt không thể là biện pháp duy nhất để cải thiện tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các địa phương, nhất là thành phố lớn, cần tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường chính và mở rộng cửa ngõ. Cạnh đó là xây dựng quy hoạch đô thị gắn với giao thông, hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm để giảm áp lực lên hạ tầng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng…