Vẻ đẹp Đồng Hới, trung tâm hành chính của Quảng Bình và Quảng Trị

Nằm bên con sông Nhật Lệ tuyệt đẹp, Đồng Hới hội các yếu tố lịch sử, văn hóa, hạ tầng đồng bộ để được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính mới khi sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị.
Thành phố Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình, với diện tích tự nhiên 155,87km2, dân số khoảng 134.000 người (dữ liệu thống kê năm 2022), gồm 16 đơn vị hành chính (10 phường, 6 xã), mật độ dân số khoảng 858 người/km².
Nhiều năm qua Quảng Bình nói chung và TP Đồng Hới nói riêng phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế là một trong những địa phương phát triển năng động tại khu vực Bắc Trung Bộ: Tăng trưởng kinh tế ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 6,63%/năm trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tổng thu ngân sách bình quân đạt 7.500 tỷ đồng/năm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển du lịch bền vững.
Trong ảnh, quảng trường Hồ Chí Minh là địa điểm trung tâm của TP Đồng Hới, nơi đặt tượng đài Bác Hồ với nhân dân tỉnh Quảng Bình, đền thờ Bác Hồ với các Anh hùng liệt sĩ.
Ngay bên quảng trường là các trụ sở làm việc của nhiều cơ quan nhà nước như Văn phòng UBND tỉnh, di tích lịch sử Thành Đồng Hới, Bảo tàng Quảng Bình...
Về quá trình lịch sử, thời nhà Nguyễn, Đồng Hới đã từng là trung tâm chính trị - hành chính của 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Cụ thể, năm 1831 vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính, quyết định thành lập 31 tỉnh trong cả nước. Quảng Bình và Quảng Trị thời đó nằm dưới sự cai quản của một Tổng đốc, gọi là Tổng đốc Bình Trị, thủ phủ đặt tại Đồng Hới.
Nói đến Đồng Hới không thể không nhắc đến cây cầu Nhật Lệ và sông Nhật Lệ, biểu tượng của thành phố. Cầu bắc qua sông cùng tên, nối liền phường Đồng Hải với xã Bảo Ninh, được khởi công xây dựng vào năm 2002, thông xe kỹ thuật vào tháng 8/2004.
Sông Nhật Lệ là một trong những con sông đẹp nhất Việt Nam, có chiều dài 85km, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi thuộc dãy Trường Sơn chảy ra biển Đông.
Trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình được đặt tại số 68 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Đồng Phú. Tòa nhà không chỉ là nơi làm việc của các cơ quan chủ chốt như Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, mà còn là địa điểm tổ chức các cuộc họp, hội nghị và sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.
Về mặt lịch sử, khu vực này có liên quan đến danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi phía Nam Việt Nam. Lăng mộ của ông nằm tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, là điểm đến thu hút nhiều người đến thăm viếng mỗi năm.
Đồng Hới cũng sở hữu nhiều công trình thành cổ mang giá trị lịch sử và kiến trúc đặc sắc. Một trong số đó là Thành cổ Đồng Hới nằm ngay gần dòng sông Nhật Lệ. Công trình được xây dựng vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long, trên nền lũy Trấn Ninh do chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng năm 1631. Thành có vai trò quan trọng trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Ban đầu thành được xây bằng đất, sau đó được xây lại bằng gạch với hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 400m. Thành có 4 cổng chính và hệ thống hào nước bao quanh. Thành cổ Đồng Hới được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992 và trùng tu vào năm 2005.
Ngoài ra còn có Quảng Bình quan. Công trình được xây dựng vào thế kỷ XVII, là một phần của hệ thống phòng thủ phía Nam của Đàng Trong, có vai trò kiểm soát giao thông và phòng thủ quân sự. Cổng thành được xây bằng gạch đá, kiến trúc vững chắc với ba tầng mái, mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ Việt Nam. Hiện Quảng Bình quan đã được trùng tu và bảo tồn, trở thành điểm tham quan du lịch và là biểu tượng văn hóa của Đồng Hới.
Ngay bên bờ sông Nhật Lệ (đường Nguyễn Du) còn có một ngọn tháp chuông của nhà thờ Tam Tòa Quảng Bình, được xây dựng từ năm 1886. Với việc giữ nguyên được nét đẹp cổ kính sau sự tấn công của bom đạn, đây là di tích, chứng nhân lịch sử, ghi dấu về một thời kỳ oai hùng của dân tộc.
Điểm đáng chú ý tại TP Đồng Hới còn có một địa danh là hồ nước ngọt Bàu Tró (thuộc phường Hải Thành), được tạo thành cách đây khoảng 1 triệu năm. Hồ có hình dạng như một quả bầu hơi eo, ở giữa kéo dài theo hướng tây bắc đông nam, cách bờ biển khoảng 300 - 450m. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho Đồng Hới mà còn là một di chỉ khảo cổ học đặc biệt của hậu kỳ đồ đá mới.
Về phát triển du lịch, theo báo cáo của địa phương, trong năm 2024, Đồng Hới đón gần 1,7 triệu lượt khách, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt gần 517 tỷ đồng, tăng 17,3%; doanh thu từ dịch vụ ăn uống đạt hơn 2.015 tỷ đồng, tăng 13,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 86,2 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Ga Đồng Hới được khởi công xây dựng vào năm 1967, là một trong những nhà ga quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đóng vai trò then chốt trong giao thông và du lịch của tỉnh. Công trình này còn gắn liền với lịch sử của vùng đất Quảng Bình, là nơi chứng kiến những câu chuyện về sự kiên cường, lòng yêu nước và tình yêu quê hương của người dân địa phương.
Thành phố Đồng Hới hội các yếu tố lịch sử, văn hóa, hạ tầng đồng bộ... để được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính mới sau khi sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị.