Vành đai "không khói" của Hà Nội sẽ sớm xuất hiện: Sở hữu đoạn đường "đắt nhất hành tinh" 3,5 tỷ đồng/mét

Với mục tiêu cấm xe máy chạy xăng dầu, hạn chế ô tô cá nhân có sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Hà Nội sẽ sớm có Vành đai "không khói".
Dựa trên lộ trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ tháng 7/2026, xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong tuyến Vành đai 1 Hà Nội. Dự kiến từ ngày 1/1/2028, ô tô cá nhân có sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2. Đến năm 2030 sẽ áp dụng đối với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.
Tại cuộc tọa đàm “Vì một Hà Nội xanh” do báo Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 18/7, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ.
“Đây là con số đáng lo ngại. Kết quả phân tích trên cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định.
Như vậy, nếu đạt mục tiêu đề ra, từ tháng 7/2026, Vành đai 1 của Hà Nội sẽ được giảm thiểu khói bụi từ khí thải phương tiện giao thông chạy xăng dầu, sớm trở thành Vành đai "không khói".
Vành đai 1 của Hà Nội sở hữu đoạn đường 'đắt nhất hành tinh'
Tuyến Vành đai 1 của Hà Nội, được xem là trục lõi của đô thị, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối khu vực Đông và Tây, xuyên qua trung tâm thành phố. Với tổng chiều dài 7,2km, tuyến đường này không chỉ là xương sống của hệ thống giao thông đô thị mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vùng giao thông xung quanh khu lõi này có chiều dài khoảng 30km và là nơi sinh sống của hơn 600.000 người.
Các tuyến đường nằm trên đường Vành đai 1 gồm: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án tuyến đường Vành đai 1, giúp bao trọn lấy khu vực nội đô, khép kín khu vực trung tâm Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay, tuyến Vành đai 1 vẫn chưa được khép kín hoàn chỉnh do một số đoạn đường, đặc biệt là đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, vẫn đang trong quá trình thi công do gặp khó khăn từ công tác giải phóng mặt bằng.
Đây là tuyến đường được mệnh danh là “tuyến đường đắt nhất hành tinh" khi tốn đến 7.800 tỷ cho 2,2 km, tức mỗi km tốn đến 3.500 tỷ đồng, mỗi mét tốn 3,5 tỷ đồng. Số tiền giải phóng mặt bằng là 6.000 tỷ, chiếm hơn 75% tổng vốn của dự án.
Một trong những nguyên nhân khiến chi phí GPMB tăng cao là vì tuyến đường này đi qua khu vực trung tâm, có mật độ dân cư và xây dựng cao. Khu vực Vành đai 1 hiện nay có mật độ xây dựng lớn nhất Thủ đô. Để làm được tuyến đường này, sẽ có khoảng 2.328 hộ dân phải di dời, trong đó nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn hộ.
Khi hoàn thành, dự án Vành đai 1 này không chỉ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông mà còn là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.