Vấn nạn nhân viên y tế bị bạo hành, bạo lực học đường: Thêm một giải pháp

Nhiều vụ nhân viên y tế bị bạo hành gây bức xúc. Những vấn nạn bạo lực học đường, phụ huynh tấn công giáo viên, học sinh đánh bạn, giáo viên bạo hành học sinh... thời gian qua nhức nhối trong cộng đồng. Đâu là giải pháp?
Những vụ nhân viên y tế bị bạo hành gây phẫn nộ
Như Thanh Niên Online đã đưa tin ngày 28.4, bác sĩ Vương Trường Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Thanh Ba (Phú Thọ) xác nhận một bác sĩ của trung tâm bị hành hung trong quá trình cấp cứu bệnh nhân. Trong lúc các nhân viên y tế cấp cứu bệnh nhi 12 tuổi ngừng tim do sốc phản vệ, người nhà bệnh nhân liên tục la hét, thậm chí đạp vào bụng một bác sĩ.
Đã có nhiều vụ bị bạo hành xảy ra với nhân viên y tế thời gian qua.
Gần nhất, hồi cuối tháng 3, nữ bác sĩ tại Trung tâm Y tế H.Chư Sê (Gia Lai) đã bị người nhà bệnh nhân đấm vào mặt và đầu gây choáng váng, hoảng loạn tâm lý. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) sau đó đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế Gia Lai phối hợp cơ quan chức năng làm rõ sự việc, đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong cơ sở khám chữa bệnh.
Vấn nạn nhức nhối nhân viên y tế bị bạo hành - Code White (mã màu trắng - nhân viên y tế cần kích hoạt, báo động khi bị tấn công, theo quy trình tại bệnh viện) được chọn là chủ đề của sân khấu diễn đàn mới được tổ chức hồi cuối tháng 4.2025 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Sự kiện được tổ chức bởi dự án Chơi với nhức nhối và dự án Áo blouse màu, thu hút nhiều khán giả là giáo viên, sinh viên, giảng viên các trường đào tạo y khoa tham gia.
Sân khấu diễn đàn tái hiện cảnh nhân viên y tế bị bạo hành
Trên sân khấu diễn đàn, những người tổ chức cùng mở ra một tình huống một cô con dâu đưa cha mình đã 80 tuổi đi khám bệnh. Cô vừa đưa cha đi khám, vừa bị điện thoại ở công ty réo gọi hỏi về công việc. Đáng chú ý, bệnh viện đông nghịt không còn một chỗ ngồi, cô con dâu và cha mình phải xếp hàng ngồi đợi từ sáng tới trưa vẫn chưa được vào khám bệnh. Sau cùng, đến trưa muộn, khi có nhân viên y tế tới hỏi thăm và đến lượt bác sĩ khám bệnh cho cha cô, cô đã nổi nóng, gắt gỏng, quát mắng nhân viên y tế...
Điều đặc biệt của sân khấu diễn đàn là ở bất cứ giai đoạn nào trong vở diễn, khán giả ở phía dưới có thể hô "dừng" để lên tham gia vào vở diễn. Trừ vai người con dâu, vai người cha, họ có thể thêm một vai diễn mới để có thể thay đổi tình huống xảy ra, theo chiều hướng tích cực hơn, để không xảy ra tình huống xấu nhất là nhân viên y tế bị bạo hành.
Như trong phiên sân khấu diễn đàn Code White vừa qua, có khán giả đã lên sân khấu, vào vai người đồng nghiệp của cô con dâu. Khi biết cô con dâu đưa cha đi khám bệnh, chị này đã động viên và nói qua điện thoại "chị cứ yên tâm đưa bác đi khám, mọi việc ở công ty em lo cho". Có khán giả vào vai người chồng của cô bác sĩ. Biết vợ đang lu bu ở bệnh viện với hàng dài bệnh nhân xếp hàng chờ, người chồng gọi điện nói "em làm việc đi, anh có chuẩn bị đồ ăn cho em, anh cũng sẽ trông con". Hay có khán giả còn vào vai giám đốc bệnh viện, thay đổi quy trình khám chữa bệnh để bệnh nhân được quan tâm hơn, nhân viên y tế không bị quá tải... Mỗi người nỗ lực trong khả năng của mình, giúp cải thiện vấn đề chung.
Người dẫn chuyện - giống như một trọng tài - cũng sẽ phân tích liệu vai diễn của khán giả có thực sự giúp hành vi bạo hành với nhân viên y tế không xảy ra hay không.
Giải quyết những nhức nhối trong y tế và giáo dục
Bác sĩ Phan Thị Lan Viên, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu cải tiến y tế (CHIR), đồng sáng lập dự án Chơi với nhức nhối, trưởng dự án Áo blouse màu, cho biết Áo blouse màu là dự án giúp hỗ trợ giảm áp lực tinh thần và nâng cao năng lực quản lý stress dành cho nhân viên y tế. Còn Chơi với nhức nhối được sáng lập bởi những người tâm huyết với cộng đồng giáo dục và cộng đồng y tế.
Từ công cụ là sân khấu diễn đàn - sân chơi vui vẻ, trí tuệ - những người thực hiện muốn gia tăng những sự thấu cảm trong cộng đồng với những người làm giáo dục, y tế. Đồng thời, có thể từ đây tìm ra nhiều giải pháp trong cộng đồng, giải quyết những cái vấn đề nhức nhối trong y tế và giáo dục.
Vừa qua, các dự án đã phối hợp với Phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội tổ chức diễn đàn sân khấu, giúp nhân viên y tế trường học tăng năng lực giáo dục sức khỏe trong cộng đồng. Hay mới đây, sân khấu diễn đàn cũng đến với 350 em học sinh một trường học tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai với chủ đề "nóng" là bạo lực học đường.
Bác sĩ Lan Viên cho hay không giống như các vở kịch thông thường, nơi khán giả đến xem rồi ra về, trong sân khấu diễn đàn, khán giả vừa là người diễn vừa là người xem. Họ có thể yêu cầu dừng lại và làm thay đổi màn trình diễn, họ có thể đưa ra những lựa chọn thay thế mới để dẫn đến thay đổi kết thúc của vở kịch. Các vấn đề được giải quyết trong sân khấu diễn đàn thường liên quan đến các vấn đề nóng trong xã hội với mục đích khám phá các giải pháp.
Anh Vũ Xuân Nam, giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học - THCS - THPT Hoàng Gia (Royal School) TP.HCM, cho biết anh đến dự buổi sân khấu diễn đàn Code White với mong muốn hiểu về cách thức tổ chức sân khấu diễn đàn, để có thể ứng dụng trong mảng giáo dục của mình.
"Tôi luôn quan tâm tới giáo dục phát triển sáng tạo, giáo dục cá nhân hóa, do đó tôi cho rằng với các chủ đề nóng, được quan tâm như bạo lực học đường, nhân viên y tế bị bạo hành và nhiều vấn đề nhức nhối khác trong giáo dục, y tế, sân khấu diễn đàn chắc chắn sẽ là cách giáo dục mở, sáng tạo, hấp dẫn. Với cách này, chúng ta không áp đặt thông điệp, và các em học sinh, các thầy cô giáo đều có thể tham gia, chủ động đóng góp giải pháp, tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề đang được mọi người quan tâm", anh Nam chia sẻ.