Vải được mùa vẫn thấp thỏm lo hạn hán

Mùa vải năm nay ở phía bắc dự báo được mùa, nhưng nhiều nhà vườn đang thấp thỏm lo thời tiết hạn hán sẽ ảnh hưởng đến quả vải, thời điểm thu hoạch cũng muộn hơn.
Vùng vải khô khát, mòn mỏi ngóng mưa
Sau vụ vải năm 2024 mất mùa, thất bát, nhiều nhà vườn trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... đón tin vui vải được mùa khi tỷ lệ đậu hoa vải cao nhất, lên tới 90 - 95%. Nhưng từ khi vải đậu quả đến nay, các nhà vườn đang đối mặt với nỗi lo mới là hạn hán.
Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải (xã Thanh Hải, H.Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết gần 3 tháng qua vùng trọng điểm trồng vải thiều lớn nhất tỉnh Bắc Giang không có một trận mưa nào "ra hồn".
Cách đây vài ngày, sấm chớp ầm ầm nhưng cũng chỉ có trận mưa đủ làm mát cho cây. Hiện nay, nhiều diện tích đang khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng quả vải. Để cứu cây vải, nhiều nhà vườn đào giếng lấy nước tưới nhưng lượng nước này không đủ. Một số vườn thiếu nước dài ngày đã xuất hiện tình trạng cây vải héo rũ, chết khô.
"Nếu nhìn tỷ lệ đậu quả thì năm nay Lục Ngạn được mùa vải. Cây sai quả nhưng thời tiết hạn hán khốc liệt quá. Các giếng đào cũng sắp cạn hết nước. Chúng tôi giờ chỉ biết cầu trời mưa rào giải khát cho cây vải để có một mùa bội thu thật trọn vẹn, bù đắp cho những thiệt hại mất mùa trong năm 2024", ông Liên nói.
Có 1 mẫu trồng vải ở thôn Lại Xá 2 (xã Thanh Tân, H.Thanh Hà, Hải Dương), gia đình ông Ngô Văn Quý đang thấp thỏm lo vườn không trụ qua đợt hạn hán. Theo ông Quý, sau 1 năm gần như mất trắng, vườn vải gia đình năm nay đậu quả nhiều hơn, dự báo sản lượng thu hoạch đạt 4 - 5 tấn. Nhưng nhiều tháng qua, trời không mưa, cây vải cằn cỗi, quả chậm phát triển nên dự báo mùa thu hoạch vải chín sớm năm nay sẽ bị muộn hơn so với mọi năm.
Còn tại xã Phúc Hòa - vùng trồng vải lớn nhất H.Tân Yên (Bắc Giang), khoảng 720 ha đang đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ UBND xã Phúc Hòa, phụ trách quản lý sản xuất vùng trồng vải xuất khẩu, cho biết bình thường thời điểm đầu tháng 5 hàng năm, quả vải đã "lên vai", to bằng ngón chân cái,nhưng năm nay quả chỉ nhỉnh hơn đầu đũa. Hiện tại ở Phúc Hòa, những vùng vẫn đảm bảo nước tưới, quả lớn chậm, chưa thể bật lên nhanh như mọi năm.
"Các vùng trồng vải hiện giờ chỉ mong nhất là trời mưa. Nhưng với những vườn vải đã khô hạn quá lâu cũng có nguy cơ bị "sốc nước", quả sẽ rụng nhiều. Mùa thu hoạch vải chín sớm năm nay sẽ muộn hơn 15 - 20 ngày, dự kiến cuối tháng 5 mới có đợt thu hoạch đầu tiên. Mùa vải chín sớm và mùa vải muộn quá sát nhau sẽ khiến vải chín sớm bị "đuổi giá", không còn giữ được giá cao như mọi năm khi thương lái, các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khi rộ hàng", bà Nhung nói.
Doanh nghiệp săn hàng sớm
Bất chấp thời tiết bất lợi đang ảnh hưởng đến các vùng trọng điểm trồng vải ở miền Bắc, thị trường tiêu thụ loại trái cây đặc sản này đang bước vào thời điểm sôi động. Các doanh nghiệp nô nức khảo sát vùng trồng, xúc tiến ký hợp đồng mua nguyên liệu.
Bà Nguyễn Thị Nhung cho biết, xã Phúc Hòa có gần 30 mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Những ngày qua, các doanh nghiệp liên tiếp tìm về để đánh giá sản lượng, lên kế hoạch thu mua. Hiện tại, các doanh nghiệp đã "đặt hàng" thu mua hơn 1.000 tấn xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu.
"Những năm trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu thường vào rất muộn, chờ khi vải gần chín mới ký hợp đồng, nhưng năm nay họ vào ngay từ đầu vụ. Các nhà vườn được tư vấn, định hướng kỹ thuật ngay từ đầu vụ thì tỷ lệ vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ cao hơn và địa phương cũng rất thuận lợi trong quản lý, giám sát các vùng trồng vải xuất khẩu", bà Nhung nói.
Còn theo ông Ngô Văn Quý, tại H.Thanh Hà (Hải Dương), các nhà vườn trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap đều có thương lái, doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản lượng nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sử dụng thuốc, phân bón được tư vấn, hướng dẫn.
"Có những doanh nghiệp hỗ trợ nhà vườn phân bón hữu cơ để sử dụng thay thế cho phân hóa học, cam kết thời điểm ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch để không còn tồn dư. Nếu làm đúng kỹ thuật, doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản lượng, giá cao hơn 15% so với thị trường", ông Quý nói.
Ông Ngô Văn Liên dự báo, năm nay, sản lượng vải của toàn Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải ước đạt hơn 1.000 tấn. Ngoài nhóm khách hàng truyền thống là doanh nghiệp thu mua vải tươi xuất khẩu, năm nay các đơn vị chế biến vải sấy khô, vải bóc cùi đóng hộp... cũng hỏi mua rất nhiều. Đến nay, hợp tác xã đã chốt bán cho các doanh nghiệp khoảng 400 - 500 tấn.
"Dự báo năm nay, các nhà vườn sẽ ký được hợp đồng bán cho doanh nghiệp với giá cao, từ 30.000 - 35.000 đồng/kg", ông Liên nói.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang), cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng nguyên tắc với các nhà vườn thu mua hơn 1.000 tấn vải tươi để xuất khẩu và chế biến đông lạnh đóng hộp.
Cũng theo bà Nhâm, thị trường Mỹ năm nay ghi nhận diễn biến mới, có lợi cho xuất khẩu vải thiều. Trước đây, các doanh nghiệp ở Mỹ thường nhập khẩu vải từ các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, chính sách thuế của Mỹ áp cho hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc quá cao nên họ chọn các nhà cung cấp vải từ Việt Nam.
"Các doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm đến vải thiều Việt Nam, dự báo vải xuất khẩu sang thị trường này sẽ cao hơn mọi năm. Doanh nghiệp chúng tôi đang đàm phán hợp đồng chế biến vải bóc hạt đóng hộp cung cấp cho chuỗi siêu thị tại Mỹ, dự kiến chuyến hàng đầu tiên sẽ đi từ 2 - 5 container", bà Nhâm nói.