Nhảy đến nội dung

Vaccine ngừa Rotavirus hiệu quả ra sao? - Báo VnExpress

Nhân tuần lễ Tiêm chủng Thế giới diễn ra trong tuần cuối cùng của tháng 4, Liên minh toàn cầu về Vaccine (Gavi) đánh giá vaccine ngừa Rotavirus là "điển hình về thành tự vaccine". Loại vaccine này lần đầu được giới thiệu vào năm 2006, đến nay được triển khai tiêm chủng thường quy tại hơn 120 quốc gia trên thế giới.

"Vaccine ngừa Rotavirus đã được chứng minh là biện pháp can thiệp hiệu quả về mặt chi phí, không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giảm gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế", bài viết của Gavi nêu.

Rotavirus có đặc điểm lây lan nhanh chóng và không thể ngăn ngừa bằng cách cải thiện nguồn nước và vấn đề vệ sinh. Trước khi vaccine ra đời, bệnh do virus này gây ra gần nửa triệu ca tử vong mỗi năm, gây bệnh ở hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi.

Năm 2006, Nicaragua và Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai vaccine này. Từ 2006 đến 2018, vaccine cứu sống khoảng 140.000 trẻ em và con số tăng dần theo thời gian. Nigeria có gánh nặng bệnh tiêu chảy cao, triển khai vaccine từ năm 2022, đã cải thiện tình hình bệnh tật. Các quốc gia triển khai vaccine ghi nhận mức giảm trung bình 59% số ca nhập viện do Rotavirus ở trẻ dưới 5 tuổi và giảm 36% số ca tử vong do tiêu chảy nặng. Vaccine giúp trẻ em đến trường, người lớn giảm nghỉ làm và tiết kiệm chi phí cho hệ thống y tế, chính phủ.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), vaccine ngừa Rotavirus là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh ở trẻ em. Việc tiêm chủng đúng liều, đủ lịch cho trẻ còn giúp giảm nguy cơ biến chứng khi mắc bệnh.

Hiện nay, vaccine được triển khai an toàn ở nhiều quốc gia, song cha mẹ và người chăm sóc vẫn cần tuân thủ các hướng dẫn quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho trẻ. Trong đó, vaccine không được sử dụng cho: những trẻ bị phản ứng quá mẫn sau khi dùng liều đầu tiên hoặc phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vaccine; trẻ bị dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa; trẻ có tiền sử lồng ruột; bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Trẻ sốt trên 38 độ hoặc đang mắc bệnh cấp tính, bị nhiễm trùng cần hoãn tiêm chủng.

Văn Hà (Theo Gavi, Unicef)