'Vá' lỗ hổng quản lý thực phẩm chức năng

TPO - Qua các vụ sản xuất sữa giả, thực phẩm chức năng (TPCN) và thuốc giả với số lượng lớn vừa bị lực lượng chức năng phát hiện cho thấy, dù có nhiều cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp cùng Ban Chỉ đạo 389, nhưng hàng giả vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm mà không bị phát hiện. Lỗ hổng từ cơ chế “tự công bố” và hậu kiểm yếu kém đang bị lợi dụng...
Nhiều cơ quan quản lý, nhưng vẫn "tràn lan" vi phạm
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất hàng giả là sữa, thực phẩm chức năng (TPCN) thậm chí cả thuốc với số lượng lớn. Mới đây nhất, ngày 25/4, lực lượng chức năng đã kiểm tra Công ty TNHH Việt Nam Denger International Technology Corporation (TP. Từ Sơn, Bắc Ninh) và phát hiện có 212.480 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) do Trung Quốc sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng trên. Tổ công tác đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã phát hiện 2 sản phẩm thực phẩm BVSK BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2 do Công ty TNHH công nghệ Herbitech (ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sản xuất có dấu hiệu giả mạo. Mặc dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ nhưng thực tế giá thành và chất lượng không đúng như công bố. Sau đó, kết quả giám định bước đầu do Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện xác định hai sản phẩm bảo vệ sức khỏe là MEDI KID CALCIUM K2 và Ăn ngon BABY SHARK là hàng giả.
Ngoài những vụ việc trên, chỉ trong nửa tháng trở lại đây, cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất thuốc giả, sữa giả, TPCN giả. Hầu hết, các nhãn hiệu giả đã lưu thông trên thị trường từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới bị phát hiện. Dư luận cho rằng, công tác quản lý nhà nước đang có vấn đề.
Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, TPCN là những sản phẩm thực phẩm được sử dụng nhằm hỗ trợ chức năng của cơ thể con người. TPCN gồm 3 nhóm chính là: Thực phẩm bổ sung (TPBS), thực phẩm BVSK và thực phẩm dinh dưỡng y học.
![]() |
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình. |
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cũng quy định, quản lý nhà nước về ATTP gồm các Bộ Y tế, Công thương, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ TN&MT) và UBND các cấp. Cùng với đó, là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thế nhưng, qua số liệu các vụ án vừa được cơ quan công an công bố thấy rằng hàng giả vẫn tràn ngập thị trường, ngang nhiên tồn tại suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Không thể để tồn tại 'không cơ quan nào chịu trách nhiệm'
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo Nghị định 15/2018, các sản phẩm TPCN, sữa có bổ sung vi chất được quản lý theo cơ chế “tự công bố”. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm lập hồ sơ, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tính pháp lý của hồ sơ công bố. Cơ quan chức năng chỉ chịu trách nhiệm "hậu kiểm".
Với các nhóm sản phẩm đặc biệt như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, hồ sơ công bố sẽ được tiếp nhận và cấp giấy xác nhận tại UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
![]() |
Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện |
Theo luật sư Hùng, việc hậu kiểm giúp các thủ tục hành chính thông thoáng hơn, nhưng đó cũng là "lỗ hổng" để doanh nghiệp làm ăn bất lương lợi dụng.
Luật sư Hùng dẫn chứng: 4 Chi nhánh của doanh nghiệp sản xuất sữa giả đã công bố 305 sản phẩm tại Hòa Bình. Tuy nhiên, suốt 4 năm qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình chưa lần nào kiểm tra, hậu kiểm. Ngay tại Hà Nội, có 71 nhãn sản phẩm sữa liên quan nhưng trong 4 năm mới lấy có 4 mẫu kiểm tra nhưng không phát hiện ra vi phạm. Đó là chưa kể, hàng năm đều có 3-4 đợt kiểm tra liên ngành quy mô lớn về ATTP nhưng các nhãn hàng trên đều 'thoát nạn an toàn'.
Luật gia Trần Quốc Tuấn (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng hậu kiểm hiện nay mới dừng ở mức hình thức. Bởi lẽ, cơ quan hậu kiểm hiện gần như chỉ làm theo kế hoạch định kỳ, không kiểm tra đột xuất, cũng không có cơ chế phối hợp dữ liệu hiệu quả giữa các bộ ngành.
Bên cạnh đó, luật hiện hành trao quyền cho quá nhiều Bộ, ngành nhưng, khi xảy ra sự cố thì các bên đẩy trách nhiệm cho nhau, còn người dân thì... cứ phải bỏ tiền mua hàng giả.
Đồng quan điểm, luật gia Trần Nhật Minh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc các sản phẩm TPCN giả, kém chất lượng có thể tồn tại công khai mà không bị phát hiện suốt nhiều năm cho thấy, công tác quản lý đang bị "bỏ ngỏ". Thực tế, lực lượng chức năng địa phương như QLTT họ nắm rõ địa bàn. Trên địa bàn xã, huyện có những doanh nghiệp nào, sản xuất sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ra sao thì QLTT phải nắm hết chứ không thể nói không biết.
"Luật pháp không thể tiếp tục để tồn tại những khoảng trống đến mức khi xảy ra hậu quả thì không cơ quan nào chịu trách nhiệm”, luật gia Trần Nhật Minh nói.
Giải pháp nào "vá" lỗ hổng
Về giải pháp "vá" lỗ hổng trong quản lý ATTP, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Nghị định 15/2018 còn nhiều lỗ hổng. Do đó, Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất Bộ Y tế tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 15 theo hướng siết chặt công tác quản lý chất lượng TPCN, không thể để doanh nghiệp tự công bố đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe.
![]() |
Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả |
Đồng tình, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, không thể tiếp tục để doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm mà thiếu đi một cơ chế hậu kiểm thực chất. Cần có những quy định chặt chẽ hơn về tần suất hậu kiểm, tỉ lệ lấy mẫu, mức độ giám sát đặc biệt với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ về đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm. Đồng thời, gắn trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân, từng đơn vị, thiết lập cơ chế kiểm tra minh bạch.
Luật sư cũng đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu mở về hậu kiểm, cho phép người dân tra cứu lịch sử vi phạm của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp theo mã số công bố.
Luật gia Trần Nhật Minh thì cho rằng cần phải có chế tài, ràng buộc trách nhiệm đối với các nền tảng như TikTok Shop, Shopee. Đồng thời, xử lý nghiêm cả người bán và cả người quảng bá sai sự thật.
Ngoài ra, cần sửa luật theo hướng bổ sung chế tài hình sự với hành vi làm giả hồ sơ công bố; tổ chức hậu kiểm cần tổ chức lại theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm sản phẩm có rủi ro cao như TPCN, mỹ phẩm, dược liệu. Trong đó, sản phẩm phải được lấy mẫu kiểm tra ít nhất 1 lần/năm.
Được biết, hiện Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với các nhóm hành vi hay vi phạm.
Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Theo đó, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã tăng nặng hình phạt với nhiều hành vi phạm tội, trong đó có hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả. Cụ thể:
Điều 193: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm:
- Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến chung thân.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 400 triệu đồng (tăng gấp đôi so với Bộ luật Hình sự 2015)
- Với pháp nhân thương mại, mức phạt tiền có thể lên đến 36 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với Bộ luật Hình sự hiện hành).
Điều 194: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh:
- Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến chung thân nhưng không xét giảm án (Bộ luật Hình sự hiện hành mức phạt cao nhất cho tội phạm này là tử hình).
- Người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng (tăng gấp đôi).
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt cao nhất đến 40 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với quy định hiện hành).